SBU được các chuyên gia kinh tế đánh giá là yếu tố quan trọng trong việc tổ chức hoạt động kinh doanh của mỗi doanh nghiệp. Vậy bạn có đang thắc mắc SBU là gì và tại sao doanh nghiệp muốn tồn tại lại phải phụ thuộc vào SBU? Nếu tìm được lời giải đáp cho các vấn đề này, bạn sẽ tránh được rất nhiều khó khăn và rủi ro trong khi hiện thực hóa ý định startup hay mở doanh nghiệp.
1. Thuật ngữ SBU là gì?
SBU được hiểu là một công ty con nhận được vốn đầu tư từ công ty mẹ và vận hành độc lập
Tại Việt Nam, thuật ngữ SBU còn tương đối mới mẻ với những người không là chủ doanh nghiệp. Hoặc đang sở hữu một doanh nghiệp riêng nhưng chưa có dự định mở rộng kinh doanh trong tương lai. Bởi vậy, không nhiều người đưa ra được định nghĩa ngắn gọn, chính xác và dễ hiểu về SBU.
Thực chất, SBU hay Strategic Business Unit (tiếng Anh) mang ý nghĩa: đơn vị kinh doanh chiến lược. Cụ thể hơn, SBU khá giống như một công ty con nhận được nguồn vốn đầu tư từ tập đoàn mẹ. Tuy nhiên, SBU có một vài điểm khác biệt so với công ty con, đó là:
- Có bộ phận quản lý độc lập.
- Có mục tiêu, tầm nhìn và nhiệm vụ riêng.
Đặc biệt, toàn bộ hoạt động của SBU không có điểm nào tương đồng với hoạt động kinh doanh hiện tại của tập đoàn mẹ. Trên thế giới và ở Việt Nam hiện có rất nhiều tập đoàn/công ty mẹ đang áp dụng SBU, ví dụ như:
- Apple: công ty 4in1 với SBU phát triển phần cứng, SBU phát triển phần mềm, SBU bán lẻ và SBU quản lý dịch vụ.
- TASCO là công ty hoạt động trong ngành xây lắp và bất động sản đã đầu tư vào công ty con – TASCO Thành Công chuyên khai thác mỏ đá ở tỉnh Quảng Bình.
- Vingroup sở hữu hệ sinh thái: Vinhomes (bất động sản), Vinmec (y tế), Vinschool (giáo dục), VinEco (nông nghiệp),…
- …
2. Những đặc điểm cơ bản của đơn vị kinh doanh chiến lược là gì?
Với những thông tin trên đây, bạn đã hiểu về khái niệm SBU rồi phải không? Trong phần tiếp theo, bài viết sẽ bật mí với bạn những đặc điểm của SBU, đó chính là:
- Trực thuộc một tổ chức kinh doanh lớn nhưng có sự phân tách rõ ràng với tất cả những đơn vị khác trong tổ chức này. Đấy là lý do SBU sẽ hoạt động độc lập, có thị trường và nhóm khách hàng mục tiêu cụ thể.
- SBU có quyền tự chủ trong mọi vấn đề: đầu tư, sử dụng ngân sách,…
- SBU có nguồn nhân lực đủ lớn và khả năng kiểm soát chiến lược kinh doanh đủ tốt nên sẽ có đối thủ cạnh tranh riêng. Bởi vậy, doanh thu, lợi nhuận và mọi chi phí khác do SBU sử dụng cũng được quản lý một cách riêng biệt.
- Mỗi SBU cũng sẽ có những người quản lý và chịu trách nhiệm riêng về chiến lược kinh doanh cùng toàn bộ hoạt động của đơn vị.
- Dù vận hành một cách độc lập nhưng đơn vị kinh doanh chiến lược vẫn phải báo cáo với tập đoàn/công ty mẹ về tình hình qua từng giai đoạn.
SBU dù hoạt động độc lập nhưng vẫn phải báo cáo với công ty mẹ về tình hình hoạt động
3. Vai trò của SBU – đơn vị kinh doanh chiến lược đối với doanh nghiệp
Không phải ngẫu nhiên mà ngày càng có nhiều doanh nghiệp triển khai SBU. Nếu bạn đang thắc mắc về những lợi ích tuyệt vời mà SBU mang lại, hãy xem ngay phần giải đáp dưới đây nhé!
3.1 SBU là giải pháp cho vấn đề tổ chức doanh nghiệp
Với những doanh nghiệp nhỏ, việc thành lập SBU chưa được chú trọng nhưng với những doanh nghiệp lớn thì hoàn toàn trái ngược. Lý do là bởi khi doanh nghiệp càng lớn thì việc vận hành hoạt động sản xuất và kinh doanh càng trở nên khó khăn, cồng kềnh và khó đồng bộ hóa. Thành lập SBU chính là giải pháp lý tưởng đối với doanh nghiệp.
Một doanh nghiệp có thể thành lập nhiều SBU và mỗi SBU sẽ đảm nhận từng nhiệm vụ riêng biệt. Nếu tất cả SBU hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì điều đó đồng nghĩa với việc hoạt động kinh doanh của tập đoàn/công ty mẹ cũng trở nên khởi sắc hơn.
SBU ra đời đã góp phần giảm bớt gánh nặng trong việc quản lý tổ chức cho doanh nghiệp
3.2 SBU giúp doanh nghiệp giải quyết vấn đề quản lý đa sản phẩm
Hầu hết các doanh nghiệp lớn đều sẽ sản xuất ra một số lượng lớn sản phẩm khác nhau. Điển hình như Nestle với hơn 2000 nhãn hiệu về: bánh kẹo, nước uống đóng chai, sản phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm cho trẻ nhỏ, ngũ cốc ăn sáng,…
Với số lượng sản phẩm “siêu to khổng lồ” này, Nestle sẽ gặp vô vàn khó khăn trong khâu quản lý. Đấy là lý do Nestle phải thành lập nhiều SBU và mỗi SBU phụ trách một số sản phẩm cùng ngành. Trong suốt quá trình hoạt động, qua báo cáo được SBU gửi lên, Nestle nhanh chóng nắm bắt được tình hình, quản lý triệt để và đưa ra những phương án giúp hạn chế rủi ro, thua lỗ.
SBU giúp các doanh nghiệp có nhiều sản phẩm dễ dàng kiểm soát tình hình kinh doanh
3.3 SBU hỗ trợ doanh nghiệp phân bổ đầu tư hợp lý vào từng sản phẩm
Thêm một lợi ích tuyệt vời nữa mà SBU mang lại đó là giúp doanh nghiệp có kế hoạch phân bổ đầu tư hợp lý vào từng sản phẩm. Nhờ chủ động trong việc tìm kiếm thị trường và khách hàng tiềm năng, SBU sẽ biết nên phân phối sản phẩm ở đâu, triển khai các hoạt động marketing như thế nào,… Doanh nghiệp dựa vào tình hình hoạt động thực tế của SBU để đầu tư giúp sinh lời lớn.
3.4 SBU cũng hỗ trợ hoàn thiện quá trình STP marketing cho doanh nghiệp
Sự thành công hay thất bại của một sản phẩm bất kỳ phụ thuộc rất nhiều vào kết quả của STP marketing. STP được ví như chìa khóa mở ra kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ cho doanh nghiệp. Trong khi đó, SBU lại là một “trợ thủ đắc lực” hỗ trợ doanh nghiệp chia nhỏ các nhóm sản phẩm để dễ dàng nắm bắt, bao quát thị trường.
Trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, 2 yếu tố STP và SBU có mối liên kết chặt chẽ với nhau và liên tục hỗ trợ nhau để hoàn thiện. Khi đọc tới đây, bạn đang đặt ra câu hỏi STP là gì? Thuật ngữ STP trong marketing là viết tắt của 3 thuật ngữ tương ứng với 3 giai đoạn quan trọng của doanh nghiệp:
- S hay Segmentation: Phân khúc thị trường.
- T hay Targeting: Xác định thị trường mục tiêu.
- P hay Positioning: Định vị thị trường.
SBU cũng là yếu tố giúp doanh nghiệp hoàn thiện chiến lược marketing để gia tăng lợi nhuận
3.5 SBU giúp doanh nghiệp đánh giá tỷ lệ lợi nhuận
Nhờ chia sản phẩm thành nhiều đơn vị kinh doanh chiến lược, doanh nghiệp có thể dễ dàng quản lý báo cáo tài chính và theo dõi các khoản đầu tư từ SBU. Đồng thời, đánh giá chính xác tỷ lệ lợi nhuận của từng sản phẩm để có căn cứ xây dựng kế hoạch phân bổ đầu tư phù hợp cho sản phẩm đang đắt hàng.
4. Top 5 điều kiện quan trọng để trở thành đơn vị kinh doanh chiến lược
Vậy có phải bất kỳ doanh nghiệp nào sở hữu nhiều sản phẩm/dịch vụ cũng có thể thành lập SBU? Hay nói cách khác, một SBU chỉ được “khai sinh” nếu đáp ứng top 5 tiêu chí quan trọng dưới đây:
- Sản phẩm/dịch vụ có sự khác biệt về mặt công nghệ: điện thoại Iphone (Apple) và điện thoại Samsung.
- Sản phẩm/dịch vụ có sự khác biệt về chức năng và mục đích sử dụng, ví dụ: nhóm thuốc điều trị bệnh cảm cúm và nhóm thuốc điều trị bệnh lý về xương khớp trong cùng một doanh nghiệp sản xuất dược phẩm.
- Sản phẩm/dịch vụ có sự khác biệt về phương thức tiếp thị và nhãn hiệu như: dầu gội Dove và dầu gội Clear của tập đoàn Unilever.
- Sản phẩm/dịch vụ có sự khác biệt về đối tượng khách hàng mục tiêu: nhóm khách hàng cá nhân và nhóm khách hàng siêu thị, cửa hàng hay đại lý.
- Sản phẩm/dịch vụ có sự khác biệt về phân khúc thị trường: đối tượng khách hàng chuộng sản phẩm bình dân và đối tượng khách hàng thích sản phẩm cao cấp, đề cao hình thức và chất lượng.
Một doanh nghiệp có thể thành lập một hoặc nhiều SBU để mở rộng hoạt động kinh doanh
5. Hướng dẫn sử dụng SBU trong ma trận Boston
5.1 Tổng quan về ma trận Boston quen thuộc trong marketing
Những người hoạt động trong lĩnh vực marketing, phân tích chiến lược kinh doanh chắc chắn không còn xa lạ với ma trận Boston. Ma trận này được biết đến là một mô hình lý thuyết kinh điển mô tả về chu trình sống của một sản phẩm hoặc một thương hiệu.
Bằng cách sử dụng ma trận Boston, doanh nghiệp sẽ đánh giá được cơ hội thị phần và cơ hội đầu tư tiềm năng, rủi ro. Từ đó, có cơ sở để quyết định nên loại bỏ hoặc ra mắt sản phẩm/dịch vụ mới.
Doanh nghiệp cần hiểu rõ về ma trận Boston trước khi thành lập SBU
Ma trận Boston được tạo thành từ 2 trục: trục tung tương ứng với triển vọng phát triển (Market Growth) và trục hoành chính là thị phần (Market Share). Bên trong ma trận này được chia thành 4 ô: ngôi sao, bò sữa, dấu hỏi và con chó. Trong đó:
-
Ngôi sao: được dùng để biểu thị những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh tốt trên thị trường và có nhiều đối thủ mạnh. Doanh nghiệp phải đầu tư vốn “khủng” để duy trì tốc độ tăng trưởng của những sản phẩm này.
-
Bò sữa: Những sản phẩm nằm tại góc phần tư này tuy chiếm thị phần lớn trên thị trường và có chỗ đứng vững chắc trong tâm trí khách hàng nhưng lại có tốc độ tăng trưởng phấp. Do đó, doanh nghiệp chỉ cần đầu tư một khoản vừa đủ nhằm duy trì lợi thế cạnh tranh.
-
Dấu hỏi: những sản phẩm chiếm thị phần nhỏ nhưng lại có tốc độ tăng trưởng cao, có tiềm năng trong tương lai. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần đầu tư một khoản vốn tương đối lớn để sản phẩm có đủ sức cạnh tranh với đối thủ. Đấy là lý do doanh nghiệp phải cân nhắc có nên hay không.
-
Con chó hay chó mực: là khu vực xếp loại những sản phẩm có thị phần thấp và kém hấp dẫn trên thị trường. Doanh nghiệp không nên đầu tư tiền bạc để tránh bị thua lỗ.
Doanh nghiệp có thể phân loại SBU tiềm năng hoặc không thông qua ma trận Boston
5.2 Sử dụng 4 bước cơ bản để phân tích SBU trong ma trận Boston
Để sử dụng SBU trong ma trận Boston, bạn hãy thực hiện lần lượt 4 bước bài viết hướng dẫn dưới đây:
- Chia doanh nghiệp/tổ chức thành nhiều SBU, tối thiểu là 2.
- Phân tích và đánh giá triển vọng của từng SBU trong doanh nghiệp/tổ chức theo 2 tiêu chí triển vọng phát triển và thị phần.
- Phân loại và so sánh SBU này với các SBU còn lại dựa vào đặc điểm của 4 ô ngôi sao, bò sữa, dấu chấm hỏi và con chó.
- Đặt mục tiêu chiến lược cụ thể cho từng SBU.
Sử dụng ma trận Boston đúng cách trong thành lập SBU sẽ giúp doanh nghiệp phát triển lớn mạnh
6. Kết luận
Vậy là bài viết vừa cùng bạn đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi SBU là gì và SBU quan trọng như thế nào đối với sự phát triển của mỗi doanh nghiệp. Hy vọng qua đây, bạn đã tích lũy thêm được nhiều thông tin hữu ích trong kinh doanh. Chúc bạn vận dụng thành công SBU để chèo lái con thuyền mang tên “doanh nghiệp” vươn ra biển lớn nhé!
–
Doanh nghiệp đang có định hướng kinh doanh đa kênh, kết nối với đa sàn thương mại điện tử thì giải pháp Haravan là sự lựa chọn hàng đầu hiện nay. Giải pháp Omnichannel – giải pháp bán hàng đa kênh, quản lý tập trung giúp tối ưu hiệu suất kinh doanh online trên Website, mạng xã hội (Facebook, Instagram, Zalo), sàn Thương mại điện tử (Shopee, Tiki, Lazada) cho đến chuỗi cửa hàng. Đăng ký dùng thử ngay!
>>> Xem thêm:
- Chiến lược phân phối trong Marketing là gì?
- MBO là gì? Quy trình quản trị theo mục tiêu MBO