Trong cuộc chiến tranh chống Tống xâm lược (1075 – 1077), thực hiện tư tưởng quân sự “tiên phát chế nhân”, quân và dân Đại Việt đã chủ động tiến công trước để triệt phá cơ sở chuẩn bị, làm giảm thiểu sức mạnh, ý chí và hành động xâm lược của quân địch, tạo tiền đề cho việc giành thắng lợi trong chiến tranh. Tư tưởng nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh đặc sắc đó thể hiện trí sáng tạo tuyệt vời của dân tộc ta, cần tiếp tục được nghiên cứu, phát huy trong điều kiện mới.
Lược đồ trận chiến tại phòng tuyến sông Như Nguyệt (Ảnh tư liệu)
Sau thất bại trong cuộc xâm lược lần thứ nhất (năm 981), triều đình nhà Tống, đứng đầu là Tống Thần Tông không cam chịu và từ bỏ mưu đồ, ráo riết chuẩn bị mọi mặt để thôn tính nước ta một lần nữa. Một mặt, nhà Tống thực hiện chính sách hòa hoãn với hai nước Liêu, Hạ ở phía Bắc và Tây Bắc để ổn định tình hình trong nước. Mặt khác, huy động lực lượng từ phương Bắc với hàng vạn kỵ binh, bộ binh tinh nhuệ và quân địa phương ở các tỉnh Nam Trường Giang; đồng thời, xuất chi một lượng lớn công khố bảo đảm cho huấn luyện, xây dựng các căn cứ quân sự, hậu cần giáp biên giới để tập kết lực lượng, tích trữ lương thảo, phục vụ trực tiếp cuộc chiến tranh xâm lược Đại Việt. Thấy được mưu đồ của giặc thôn tính nước ta ngày càng lộ rõ, triều đình nhà Lý đã chủ động tăng cường phòng bị, củng cố lực lượng, nắm chắc mọi động thái của địch ở phương Bắc; mở cuộc tiến công đánh bại lực lượng quân sự, đập tan mối uy hiếp xâm phạm lãnh thổ từ phía Nam (năm 1069). Trên cơ sở phân tích, đánh giá tình hình trước thế địch mạnh, Lý Thường Kiệt cho rằng: “Ngồi yên đợi giặc không bằng đem quân ra trước để chặn mũi nhọn của chúng”1. Ông chủ trương “tiên phát chế nhân”, sử dụng hơn 10 vạn quân tinh nhuệ, bất ngờ mở cuộc tiến công bằng cả đường thủy và đường bộ sang phía Nam đất Tống, nhanh chóng tiêu diệt các đồn, trại của giặc, triệt phá các căn cứ quân sự, hậu cần quan trọng ở dọc biên giới từ cửa biển Khâm Châu, Liêm Châu cho tới thành Ung Châu2. Với tư tưởng chỉ đạo chiến lược đúng đắn, sáng tạo, quân Đại Việt đã giành thắng lợi lớn, đẩy giặc vào thế bị động ngay từ đầu, tạo tiền đề cho thắng lợi toàn cục của cuộc chiến tranh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền đất nước. Đây là một điển hình về trí sáng tạo cùng sự phát triển vượt bậc về tư tưởng chỉ đạo chiến tranh với nhiều nét nghệ thuật đặc sắc.
1. Nắm vững và đánh giá đúng tình hình, tương quan so sánh lực lượng để đề ra kế sách tiến công táo bạo, giành thắng lợi. Ngay sau khi nhà Tống có kế hoạch xây dựng các căn cứ sát biên giới nước ta, nhà Lý đã cử lực lượng theo dõi “nhất cử, nhất động” của địch. Đặc biệt, khi Lý Thường Kiệt nhận được mật thư của Bá Tường (một nho sĩ đậu tiến sĩ không chịu làm quan cho nhà Tống) thì âm mưu xâm lược của nhà Tống càng được khẳng định. Theo đó, triều đình nhà Lý vừa tăng cường do thám nắm tình hình ở vùng biên giới và sâu trong nội địa của địch; đồng thời, bí mật chuẩn bị lực lượng và kế sách chống giặc. Nhằm đảm bảo quyền chủ động chiến lược, đẩy địch vào thế bị động và dẫn tới thất bại, Lý Thường Kiệt chủ trương “tiên phát chế nhân” – tiến công địch trước. Đây là tư tưởng chiến lược rất táo bạo, nhưng đúng đắn, tạo sự bất ngờ và phù hợp với điều kiện nước ta lúc bấy giờ. Bởi lẽ, nếu biết được âm mưu của nhà Tống mà ta chỉ bí mật chuẩn bị để đợi giặc đến thì khó có thể chủ động đánh bại được kẻ thù và nếu có giành thắng lợi cũng sẽ chịu nhiều tổn thất. Vì vậy, chủ động tiến công đánh bại ý chí xâm lược của địch ngay trên đất nước chúng để bảo vệ giang sơn, xã tắc, gây bất ngờ, hoảng loạn đối với địch là nét độc đáo trong lịch sử dân tộc. Điều đáng nói là, tư tưởng ấy được nhà Lý thực hiện rất đúng thời cơ nên đã tạo được sức mạnh tổng hợp để tiêu diệt địch. Mặc dù Lý Thường Kiệt biết được ý đồ của giặc từ lâu và tư tưởng “tiên phát chế nhân” cũng sớm được hình thành, nhưng Ông chưa tiến quân vội, bởi nếu tiến công sớm, lực lượng ta chưa đủ sức để giành thắng lợi nhanh gọn, lực lượng địch tuyển mộ ở các căn cứ còn ít, lương thảo của chúng tích trữ chưa nhiều thì hiệu suất và tác động của cuộc tiến công sẽ không cao. Còn nếu tiến công muộn, khi đó lực lượng địch đã mạnh lên, thành trì thêm vững chắc thì khó có thể giành thắng lợi. Ở đây, Lý Thường kiệt đã tổ chức tiến công vào thời điểm lực lượng ta tương đối mạnh, trong khi đó, lực lượng địch tập trung ở Ung, Khâm, Liêm khoảng 10 vạn nhưng chất lượng chiến đấu chưa cao vì mới tuyển mộ; việc rút lực lượng tinh nhuệ của địch ở phía Bắc chưa hoàn thành nên đã giành thắng lợi nhanh gọn và có tác động mạnh mẽ làm nhụt ý chí xâm lược của địch.
2. Tạo lập tư tưởng, quyết tâm cho binh sĩ và sự ủng hộ của dân chúng nước địch đối với cuộc tiến công chiến lược. Phải nói rằng, đánh thắng địch trên đất nước mình đã khó, giành thắng lợi ngay trên đất địch lại càng khó hơn. Song dưới sự chỉ đạo, chỉ huy tài tình của Bộ thống soái triều Lý, điều khó khăn tưởng như không thực hiện được ấy đã được quân, dân Đại Việt thực hiện thành công. Mặc dù phải cơ động tiến công các mục tiêu ở xa trên đất Tống, địa hình mới lạ, hiểm trở; việc bảo đảm cơ động và lương thảo rất khó khăn, nhưng Lý Thường Kiệt đã kịp thời cử người truyền hịch cho tướng sĩ, trong đó nói rõ tính chính nghĩa của cuộc tiến công. Đó là, tiêu diệt quân Tống chính là nhằm bảo vệ non sông, bờ cõi Đại Việt. Qua đó, nhà Lý đã xây dựng tư tưởng, củng cố quyết tâm cho binh sĩ vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đánh bại quân thù. Thực tiễn cho thấy, với quyết tâm cao, quân Đại Việt đã lần lượt hạ các thành Khâm Châu, Liêm Châu nhanh chóng. Đặc biệt, khi tiến công thành Ung Châu – nơi kiên cố nhất của địch – quân ta đã kiên trì chiến đấu ròng rã hơn 40 ngày đêm liên tục, thậm chí đã bỏ nhiều công sức, xương máu đắp những núi đất cao để vượt thành giết giặc. Sau trận này, nhiều tù binh giặc đã thú nhận rằng, chính lòng dũng cảm, ý chí quyết tâm tiến công mãnh liệt của quân ta đã khiến quân Tống nhanh chóng tan rã, Tô Giám (viên tướng chỉ huy trấn thủ thành Ung Châu) phải tự vẫn. Cùng với đó, việc tạo dựng và tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân nước Tống cũng là nét nghệ thuật đặc sắc trong thực hiện tư tưởng “tiên phát chế nhân” của quân Đại Việt. Theo đó, trên đường tiến quân, do nắm chắc tình hình và hiểu được tâm lý bất mãn của người dân nước Tống với các cuộc chiến tranh kéo dài liên miên với các nước Liêu, Hạ, cùng với chế độ đàn áp, bóc lột hà khắc của vua quan triều Tống, Lý Thường Kiệt đã cho niêm yết và phân phát rộng rãi Lộ bố văn để tố cáo tội ác của vua quan nhà Tống, âm mưu gây chiến tranh, nô dịch Đại Việt và nói rõ mục đích cuộc tiến quân của ta sang đất Tống là đánh bọn thống trị tàn ác; là hành động tự vệ chính đáng của quân dân Đại Việt. Đây thực sự là một kế sách đúng đắn, sáng tạo, sự nhạy bén, sắc sảo của Bộ thống soái triều Lý khi sử dụng hiệu quả biện pháp tác động trực tiếp vào tư tưởng, tinh thần của người dân nước Tống. Nhờ vậy, khi quân đội triều Lý đi tới đâu trên đất Tống, không những không bị người dân địa phương chống lại, mà còn được hoan nghênh, ủng hộ.
3. Vận dụng linh hoạt các hình thức tác chiến tiêu diệt địch giành thắng lợi. Để triệt phá những căn cứ quân sự, hậu cần cùng ý đồ xâm lược của nhà Tống, đòi hỏi quân đội Đại Việt phải tiến công nhanh gọn, gây cho địch thiệt hại nặng về lực lượng, vật chất và tư tưởng. Nắm vững cách bố trí đội hình của địch: ở vòng ngoài là các đồn, trại dọc biên giới; khu vực cửa biển Khâm Châu, Liêm Châu và phía sau là thành Ung Châu (một căn cứ quân sự lớn và là nơi tập kết của đại quân Tống). Vì thế, trong tổ chức, sử dụng lực lượng, Lý Thường Kiệt đã chia quân thành hai đạo: thủy và bộ tiến sang đất giặc. Một đạo gồm binh lính các địa phương vùng biên giới phía Bắc, do các tướng lĩnh người dân tộc thiểu số: Tôn Đản, Lưu Kỷ, Hoàng Kim Mãn, Thân Cảnh Phúc, Vi Thủ An chỉ huy, bất ngờ tiến công tiêu diệt các đồn, trại quân Tống ở biên giới, như: Cổ Vạn, Vĩnh Bình, Thái Bình, Hoành Sơn…, thu hút quân địch về hướng Tây Nam, làm cho việc phòng bị hướng cửa biển Khâm Châu, Liêm Châu sơ hở. Tận dụng thời cơ, đạo quân chủ lực của Lý Thường Kiệt ở Vĩnh An (Móng Cái, Quảng Ninh) dùng thuyền vượt biển, bất ngờ tập kích đánh chiếm các trại giặc dọc bờ biển, làm chủ các thành Khâm Châu (31-12-1075), Liêm Châu (02-01-1076), tiến đến hợp quân với đạo quân đường bộ của Tôn Đản vây đánh thành Ung Châu. Cuộc tập kích của quân Đại Việt vào các mục tiêu vòng ngoài giành thắng lợi, đã làm cho triều Tống sửng sốt. Chúng vội vã điều 01 vạn quân để ứng cứu Ung Châu. Song, bằng lối đánh “vây thành, diệt viện”, quân đội Đại Việt đã tổ chức trận mai phục đánh tan quân cứu viện địch tại cửa ải Côn Lôn; đồng thời, tích cực bao vây và sử dụng nhiều biện pháp công phá thành Ung Châu. Trước sức tiến công mãnh liệt của quân ta, trong khi quân cứu viện địch không còn, thành Ung Châu đã hoàn toàn sụp đổ. Đến đây, mục đích cuộc tiến công đã hoàn thành thắng lợi (tháng 4 – 1076), quân ta chủ động rút về nước. Như vậy, tư tưởng “tiên phát chế nhân” không chỉ tạo ra quyết tâm, sức mạnh tổng hợp, được thể hiện ở thắng lợi của các trận tập kích, phục kích, vây thành, công thành,… trong từng tình huống chiến trường, mà còn làm địch hoang mang, dao động cực độ, dẫn tới suy sụp ý chí xâm lược. Sau này, khi cố sức huy động lực lượng để xâm lược Đại Việt một lần nữa, Tống Thần Tông đã phải ra chỉ dụ cho Quách Quỳ: “Giao Chỉ mạnh, gan, liều chết… nên cẩn thận”. Và đến khi bị quân ta phản công buộc địch rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan” tại phòng tuyến sông Như Nguyệt (năm 1077), tư tưởng “tiên phát chế nhân” đã được triều Lý vận dụng trong việc chủ động cử người sang “giảng hòa”, tạo cho quân địch “một lối thoát danh dự”. Đây là nhân tố quan trọng, buộc nhà Tống phải nể phục Đại Việt và từ đó về sau không dám nói đến việc xâm lược nước ta nữa.
Cuộc tập kích chiến lược sang đất Tống thể hiện tư tưởng “tiên phát chế nhân” không chỉ là dấu ấn của chiến công vang dội trong trang sử hào hùng của dân tộc, mà còn trở thành nét nghệ thuật độc đáo trong chiến tranh giữ nước của dân tộc ta. Tư tưởng quân sự truyền thống – “tiên phát chế nhân” – còn nguyên giá trị trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc ngày nay.
Đại tá, TS. NGUYỄN THÀNH HỮU ______________
1 – Bách khoa tri thức Quốc phòng toàn dân – Nxb CTQG, H. 2003, tr.18.
2 – Quân ta đã tiêu diệt gần 10 vạn quân Nam Tống, thu và phá huỷ hàng chục vạn tấn lương thảo, chiến cụ, khí giới… của địch.