Uống thuốc bị đắng miệng có thể là khách quan do vị đắng của thuốc, cũng có thể là tác dụng phụ của thuốc. Hoặc một số trường hợp, tình trạng này là chủ quan do căn nguyên tâm lý.
Vậy thì khi uống thuốc bị đắng miệng, chúng ta phải xử trí như thế nào? Và làm cách nào để hạn chế tình trạng này, không tạo nên cảm giác sợ hãi khi uống thuốc? Trong bài viết dưới đây, Nhà Thuốc Long Châu sẽ giúp bài giải đáp thắc mắc đó.
Đắng miệng là như thế nào?
Đắng miệng là một trạng thái thay đổi của vị giác trong miệng. Khi ấy, trong khoang miệng của bạn sẽ có cảm giác đắng, có thể dao động từ đắng ít (hơi đắng) đến đắng nhiều.
Thông thường, đắng miệng là phản ứng bình thường của cơ thể khi một người nào đó tiêu thụ các loại thực phẩm đắng như: Măng, khổ qua, rau cải đắng… Tuy nhiên, khi tình trạng đắng miệng xảy ra trong thời gian dài hoặc xảy ra đột ngột, đó sẽ là dấu hiệu của một bệnh lý nào đó.
Cảm giác đắng miệng có thể kèm theo các triệu chứng như:
- Đắng ở cổ họng.
- Chán ăn.
- Nhạt miệng.
- Hơi thở có mùi hôi.
- Cảm giác buồn nôn, nôn.
- Khô miệng, mệt mỏi.
- Rối loạn tiêu hóa như đầy bụng, đau bụng, tiêu chảy hoặc táo bón.
Tình trạng đắng miệng có thể làm bạn không nếm được vị của các loại thức ăn, thức uống khác. Trong nhiều trường hợp, người bệnh vẫn còn cảm thấy ngay cả sau khi đã đánh răng và súc miệng, mức độ đắng tùy thuộc vào từng nguyên nhân cụ thể.
Những nguyên nhân thường gặp gây đắng miệng
Những nguyên nhân gây đắng miệng phổ biến trong cuộc sống hàng ngày bao gồm:
- Thay đổi tính chất của nước bọt, chẳng hạn như: Viêm, nhiễm, tuyến nước bọt, giảm tiết nước bọt gây ra tình trạng khô miệng. Khi nước bọt được bài tiết quá ít sẽ khiến miệng của bạn có vị đắng. Tình trạng này thường kèm theo một số bệnh lý như viêm nướu, cảm cúm, cảm lạnh…
- Thuốc: Sử dụng một số loại thuốc kê toa có thể gây nên cảm giác đắng miệng, còn gọi là tình trạng uống thuốc bị đắng miệng rất phổ biến. Đa số các loại thuốc này đều để lại vị đắng trong khoang miệng trong một khoảng thời gian không hề ngắn.
- Bổ sung một lượng quá nhiều các chất khoáng vi lượng như: Đồng, kẽm, crom, sắt…
- Trào ngược dạ dày: Dịch vị và dịch mật trào ngược thường làm cho người bệnh hôi miệng, đắng miệng và đi kèm với tình trạng đầy bụng, khó tiêu, ợ chua, ợ nóng…
- Vệ sinh răng miệng kém và không khám răng định kỳ. Lâu dần, miệng sẽ có vị đắng, nhiều bệnh lý răng miệng sẽ rất dễ phát sinh.
- Hút thuốc lá thường xuyên có thể dẫn đến cảm giác đắng miệng.
- Hít phải một số hóa chất từ môi trường bên ngoài như xăng, benzen, bụi cao su… lâu ngày cũng có thể gây ra cảm giác đắng miệng.
Vì sao uống thuốc bị đắng miệng?
Hầu hết các thuốc đều có vị đắng nếu viên thuốc ấy không được bao đường, hoặc không phải là loại thuốc ngọt. Chẳng hạn như thuốc dạng siro, viên bao đường, viên thuốc sản xuất để nhai, ngậm. Vì vậy, nếu uống không kỹ, thuốc sẽ bị vướng trong miệng và gây đắng. Các thuốc gây nên cơ chế đắng miệng này thông thường là thuốc kháng viêm, thuốc trị bệnh Gout.
Uống thuốc bị đắng miệng cũng có thể xuất phát từ nguyên nhân thuốc đã làm rối loạn vị giác của người bệnh. Có nhiều loại thuốc khi sử dụng có thể gây ảnh hưởng gián tiếp hoặc trực tiếp đến chức năng vị giác bằng nhiều cơ chế đa dạng. Ví dụ như khi dùng thuốc kéo dài và dùng liên tục, một số thuốc có thể làm rối loạn hệ vi khuẩn bình thường trong khoang miệng, dạ dày và ruột. Tình trạng rối loạn này dẫn đến những thay đổi ở chức năng vị giác.
Các thuốc gây đắng miệng theo cơ chế này thường là kháng sinh, bao gồm các nhóm:
- Acyclovir, Ampicillin, Ethambutol, Pentamidine và Sulfamethoxazole làm giảm cảm nhận của cơ quan vị giác với muối Calcium Chloride.
- Ethambutol, Pentamidine và Tetracyclin làm giảm cảm nhận của cơ quan vị giác với muối Kali Chloride.
- Pentamidine và Ampicillin làm cơ quan vị giác giảm cảm nhận với muối Natri Chloride.
Hậu quả của tình trạng uống thuốc bị đắng miệng
Uống thuốc bị đắng miệng tuy không phải là một tình trạng nguy hiểm nhưng nó ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý của người bệnh. Đồng thời ảnh hưởng đến cả một quá trình điều trị. Thông thường, người bệnh bị đắng miệng sau khi uống thuốc sẽ có cảm giác sợ hãi việc uống thuốc. Đi kèm với nỗi ám ảnh này là các hệ lụy sau đây:
- Uống thuốc không đủ liều, lảng tránh việc uống thuốc làm giảm hiệu quả điều trị bệnh.
- Uống không liên tục làm bệnh kéo dài hoặc diễn biến ngày một trầm trọng hơn.
- Sử dụng các biện pháp đối phó như dùng nước cam, nước trái cây, nước ngọt… để uống thuốc. Khi ấy, những tương tác bất lợi của thức uống và thuốc rất dễ xảy ra ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh.
- Người bệnh ăn uống kém, dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng, suy kiệt.
- Một số biến chứng về tâm thần kinh như: Lo âu, trầm cảm, nóng nảy…
Uống thuốc bị đắng miệng phải làm gì?
Điều cần thiết nhất để xử trí uống thuốc bị đắng miệng là bạn nên tìm ra nguyên nhân chính xác để điều trị một cách hiệu quả và nhanh chóng. Một số cách sau có thể giúp xử trí tình trạng đắng miệng sau khi uống thuốc:
- Sau khi uống thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh, kháng viêm, bạn nên uống nhiều nước để cân bằng với số lượng thuốc đi vào trong cơ thể. Đồng thời giúp giảm thiểu tình trạng đắng miệng. Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế sử dụng trà, cà phê, thức uống có gas để uống cùng với thuốc.
- Bổ sung các loại trái cây giàu vitamin C như họ cam quýt, đu đủ, ổi. Những loại trái cây này sẽ kích thích sản xuất nước bọt và giảm vị đắng trong miệng sau khi uống thuốc.
- Nhai kẹo ngay sau khi uống thuốc cũng là một cách giải quyết đắng miệng rất dễ thực hiện và hiệu quả.
- Vệ sinh khoang miệng sạch sẽ hàng ngày, chải răng đúng cách, khám răng định kỳ để hạn chế mắc phải các bệnh lý về răng miệng. Vì khi mắc phải các bệnh lý răng miệng, tình trạng uống thuốc bị đắng miệng sẽ trở nên trầm trọng hơn.
- Hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm chiên xào, nhiều dầu mỡ, cay nóng nếu bạn thường xuyên có cảm giác uống thuốc bị đắng miệng.
- Không nên tự ý mua thuốc uống, lạm dụng bất kỳ loại thuốc nào mà chưa có ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa.
Qua bài viết này, Nhà Thuốc Long Châu hy vọng sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tình trạng uống thuốc bị đắng miệng cũng như nắm bắt được những cách cơ bản xử trí tình trạng khó chịu này. Để tham khảo thêm nhiều hơn những bài viết về y học, các bạn đừng quên truy cập vào trang web của Nhà Thuốc Long Châu nhé!
Ánh Vũ
Nguồn tham khảo: Tổng hợp