Du hành không gian có thể gây chấn thương não – Thanh Niên

the gay ton hai cho bo nao phi hanh gia

Tên lửa của Blue Origin đáp xuống sau khi đưa diễn viên phim Star Trek (Du hành các vì sao) William Shatner cùng 3 người khác lên không gian vào ngày 13.10

reuters

South China Morning Post ngày 17.10 đưa tin các nhà khoa học tại Đại học Ludwig Maximilian (LMU) ở Munich (Đức) phát hiện kết quả xét nghiệm máu của các phi hành gia cho thấy họ có dấu hiệu chấn thương não nhẹ nhưng dai dẳng. Não của họ cũng bị lão hóa nhanh hơn. Phát hiện này được công bố trên tạp chí Jama Neurology vào tháng 10.

Nghiên cứu được công bố chỉ vài ngày trước khi diễn viên phim Star Trek (Du hành các vì sao) William Shatner (90 tuổi) lên không gian trên phi thuyền của Blue Origin vào ngày 13.10.

Dù vậy, cảnh báo về nguy cơ tổn thương não dường như chỉ áp dụng cho những người ở trên vũ trụ trong thời gian dài. Các nhà nghiên cứu tin rằng một trong những nguyên nhân gây ra tổn thương não trong quá trình du hành vũ trụ là do môi trường không trọng lượng làm rối loạn dòng chảy của máu, dẫn đến tăng áp suất trong dịch não tủy theo thời gian.

Trong khi đó, hành khách trong các chuyến bay du hành không gian, ngành kinh doanh nhắm vào những khách hàng giàu có, chỉ trải qua vài phút trong môi trường không trọng lượng.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những chuyến du vào không gian trong thời gian dài không chỉ khiến cơ và xương co lại mà còn ảnh hưởng đến não của các phi hành gia.

Nhóm làm phim đầu tiên trên vũ trụ trở về an toàn

Trong nghiên cứu mới công bố, các bác sĩ của LMU Peter zu Eulenburg và Alexander Chouker, cùng với các đồng nghiệp ở Thụy Điển và Nga, đã xét nghiệm máu của 5 phi hành gia Nga phải lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) trong 5 tháng rưỡi. Các nhà khoa học đã phân tích máu của các phi hành gia trước và ngay sau chuyến bay, rồi một và ba tuần sau đó.

Họ phát hiện một số protein đặc trưng cho quá trình lão hóa và chấn thương não đã tăng lên đáng kể ngay sau khi các phi hành gia trở về từ không gian. Điều này đặc biệt đúng trong tuần đầu tiên sau khi các phi hành gia quay lại Trái Đất.

Ông Jens Jordan, Giám đốc Viện Y học Hàng không tại Trung tâm Hàng không Vũ trụ Đức, cho biết việc xuất hiện thay đổi ở não bộ sau khi ở trong không gian trong thời gian dài được gọi là Hội chứng thần kinh nhãn khoa liên quan đến chuyến bay vũ trụ (Sans).

Tuy nhiên, nghiên cứu mới công bố vẫn chưa làm rõ liệu những thay đổi trong não có dẫn đến những hạn chế về thể chất đối với những người bị ảnh hưởng hay không. “Dấu hiệu sinh học trong máu chưa nói lên điều gì về bệnh lý lâm sàng”, theo nghiên cứu.

Theo ông Jordan, các cơ quan không gian như NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu đang nghiên cứu các biện pháp đối phó với hội chứng Sans. Các cơ quan này đang xem xét liệu máy ly tâm tạo ra trọng lực nhân tạo có thể giúp ích cho các phi hành gia hay không.