Affiliation là bao gồm các liên kết, giải thưởng và công việc tình nguyện trong sơ yếu lý lịch hay CV của bạn, đem lại lợi thế lớn giá trị lớn cho bạn khi nộp đơn xin việc. Chúng cung cấp thêm thông tin chi tiết về kinh nghiệm của bạn và các tổ chức bạn tham gia, những điều này thường làm cho sơ yếu lý lịch của bạn “ăn điểm” hơn nhiều trong mắt nhà tuyển dụng.
Trong bài viết này, hãy cùng Glints thảo luận về Affiliation là gì và giải thích các bước bạn có thể thực hiện để đưa chúng vào CV của mình.
Affiliation là gì?
Affiliation có nghĩa tiếng Anh thông thường là “sự liên kết” nhưng trong CV thì nó lại mang nghĩa “liên kết chuyên nghiệp” hoặc danh sách các tổ chức chuyên nghiệp.
Affiliations hoặc memberships là các tổ chức chuyên nghiệp mà bạn đã tham gia hoặc những nhóm người bao gồm bạn trong danh sách của họ. Các nhóm này có thể là các tổ chức lớn hoặc các đội nhóm nhỏ liên quan đến ngành nghề bạn quan tâm. Mặc dù chúng có thể không đề cập đến lĩnh vực chuyên môn, nhưng vẫn bao gồm các thông tin quan trọng về người tìm việc.
Có những nhóm này được liệt kê trong sơ yếu lý lịch của bạn sẽ cho thấy cam kết của bạn với ngành nghề đang theo đuổi. Giúp doanh nghiệp hiểu rằng bạn đang tương tác và kết nối thường xuyên với các chuyên gia trong ngành.
Ngoài ra, affiliation có thể giúp bạn có thể tiếp thị tên tuổi cá nhân và giúp các đơn vị tuyển dụng có thể đánh giá sơ lược hồ sơ của bạn, thông qua các hoạt động đã từng tham gia, theo đó xem xét bạn có thể mang lại lợi ích cho doanh nghiệp hay không.
Đọc thêm: Bí Quyết Viết Kinh Nghiệm Làm Việc Trong CV
Affiliation và work experience có giống nhau?
Affiliation và work experience đều liên quan đến kinh nghiệm làm việc nhưng bản chất thực sự của chúng lại không giống nhau, cụ thể:
- Work experience: có nhiệm vụ liệt kê quá trình làm việc của bạn với tư cách là nhân viên chính thức hay cộng tác viên cho một đơn vị, doanh nghiệp hoặc tổ chức nào đó. Quá trình làm việc của bạn được các công ty trả tiền lương hàng tháng và nó phản ánh rõ ràng quá trình phát triển nghề nghiệp của bạn từ khi mới vào nghề.
Ví dụ: Chức vụ kế toán trưởng cho một công ty sản xuất giày dép, phụ kiện hoặc từng đảm nhận vai trò quản lý kho xưởng (được ghi nhận là Work experience trong CV)
- Affiliation: hơi khác so với work experience là nó phản ánh các hoạt động của bạn trong tư cách thành viên ở các tổ chức, hiệp hội hay đoàn thể. Hoạt động này có thể liên quan đến nghề nghiệp chuyên môn mà bạn đã định hướng cho mình (professional affiliation) hoặc là các hoạt động mang tính cộng đồng (civic affiliation). Các hoạt động này thường là tham gia tự nguyện và không được nhận tiền lương, vì tính chất hoạt động của các tổ chức này là phi lợi nhuận.
Ví dụ: Thành viên trong ban truyền thông của CLB gây quỹ trẻ em hay thành viên trong hiệp hội bảo vệ động vật quý hiếm (được ghi nhận là Affiliation trong CV)
Ứng dụng affiliation trong CV
Khi tham gia ứng tuyển vào các công ty, nhà tuyển dụng sẽ phân loại ứng viên thành hai nhóm khác nhau là người đã có kinh nghiệm và nhóm người chưa có kinh nghiệm:
Đối với người đã có kinh nghiệm
Với những ai đã có kinh nghiệm dày dặn thì affiliation trong CV của bạn sẽ trình bày về vị trí, chức danh mà bạn từng đảm nhận khi hoạt động tại một doanh nghiệp trước đó hoặc các tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp liên quan tới vị trí bạn đang ứng tuyển hiện tại.
Ví dụ: bạn muốn ứng tuyển vào vị trí quản lý IT tại một công ty công nghệ, ngoài những kiến thức bạn tích lũy được khi học Đại học, kinh nghiệm thực chiến khi làm các dự án cộng với khả năng lãnh đạo dẫn dắt nhiều đội nhóm hoàn thành công việc, ngoài ra bạn còn tham gia các hiệp hội IT giúp đỡ các bạn trẻ mới vào nghề.
Đây chính là affiliation trong CV bạn cần thêm vào, những yếu tố này sẽ giúp nhà tuyển dụng xét bạn có phù hợp với vị trí này hay không và đưa ra quyết định nhanh chóng nhất.
Đối với người chưa có kinh nghiệm
Còn đối với những người chưa có kinh nghiệm sẽ gặp khá nhiều bất lợi khi ứng tuyển tuy nhiên hãy cố gắng đừng để trống CV của bạn. Đối tượng chưa có kinh nghiệm thường là sinh viên mới ra trường hoặc những người thuộc lĩnh vực khác đang có nhu cầu chuyển đổi công việc.
Hãy đưa vào CV các hoạt động ngoại khóa mà bản thân từng tham gia, đề cập đến các tổ chức và các chương trình mang tính cộng đồng mà bạn đóng vai trò gì trong đó. Cũng có thể đó là một số dự án chuyên ngành bạn từng thực hiện và đạt giải cao.
Bạn buộc phải thêm những điều này vào dù không nhiều nhưng nó cũng đủ để chứng minh bạn quan tâm tới ngành nghề này và mong muốn dấn thân vào để tạo nên giá trị.
Ví dụ: bạn muốn trở thành biên tập viên ở một nhà đài nào đó nhưng bạn chưa từng có kinh nghiệm làm việc ở một công ty liên quan nào. Tuy nhiên, lúc còn đi học bạn đã có năng khiếu kể chuyện, làm MC cho các ban văn nghệ, bạn từng tham gia vào CLB truyền thông của trường hoặc các tổ chức xã hội và từng dẫn dắt cho một số cuộc thi lớn nhỏ. Đừng ngần ngại mà hãy cho những thông tin này vào CV của bạn, đó cũng được coi là affiliation bạn nhé!
Đọc thêm: Cách Ghi Mục Tiêu Nghề Nghiệp Trong CV Ấn Tượng
Cách thể hiện affiliation trong CV sao cho chuẩn
Sai lầm của nhiều ứng viên khi điền affiliation trong CV là cố gắng thêm tất cả những kinh nghiệm và hoạt động của bản thân vào, dù nó không liên quan gì đến vị trí đang ứng tuyển. Điều này không hề gây ấn tượng mà lại dễ mất điểm với các nhà tuyển dụng, họ không hề đánh giá cao việc làm này của bạn.
Sau đây là những cách thể hiện affiliation trong CV chuyên nghiệp và thu hút nhà tuyển dụng:
Xác định các Affiliation
Trước tiên các ứng viên cần phải xác định được Affiliation là gì? Bạn không nên liệt kê hết tất cả các Affiliation vào CV, bạn có thể liệt kê chúng vào một tờ giấy nháp, sau đó chọn lọc các hoạt động Affiliation mà bạn cho rằng chúng nổi bật và có liên quan đến vị trí công việc mà bạn đang ứng tuyển để điền chúng vào CV của mình.
Ví dụ: nếu bạn ứng tuyển vào vị trí nhân viên sales, bạn hãy liệt kê các hoạt động bạn từng tham gia liên quan đến các kỹ năng bán hàng, bên cạnh đó hãy loại bỏ các hoạt động của bạn trong CLB về học thuật ra khỏi CV vì chúng không thật sự cần thiết đối với công việc này.
Thêm tiêu đề
Sau khi đã xác định được Affiliation, bước tiếp theo mà bạn cần làm là đặt tiêu đề cho các hoạt động. Chẳng hạn, bạn xem xét được một số kỹ năng chuyên môn phù hợp, bạn có thể đặt tiêu đề là “Professional affiliations”.
Nhưng với trường hợp bạn liệt kê được một số các chứng chỉ hoặc kỹ năng mà bạn cho rằng chúng giúp bổ trợ cho vị trí ứng tuyển này thì hãy đặt tiêu đề là “Affiliations and certifications”. Việc này giúp nhà tuyển dụng dễ dàng theo dõi, đánh giá các thông tin mà bạn thêm vào CV, đồng thời cách đặt tiêu đề sẽ làm cho CV của bạn trở nên chuyên nghiệp và chỉn chu hơn.
Liệt kê các tổ chức
Bạn nên nêu ra các tổ chức, hiệp hội hoặc tên các đơn vị hoạt động mà bạn góp mặt và đưa chúng lên những dòng đầu tiên trong affiliation. Lưu ý, nên tô đậm hoặc in nghiêng chúng để tên tuổi và hoạt động của các tổ chức này trở nên nổi bật hơn.
Có thể nhà tuyển dụng chỉ quan tâm đến một hoặc một vài tổ chức nào đó trong danh sách các tổ chức mà bạn đã liệt kê trong CV. Chính vì vậy việc in đậm và để chúng lên đầu sẽ tăng sự chú ý của họ.
Đọc thêm: Cách tích lũy kinh nghiệm đi làm ngay khi còn là sinh viên
Giải thích vai trò của bạn trong các tổ chức đó
Không quên một việc là bạn cần giải thích vai trò, vị trí và trách nhiệm của bản thân trong tổ chức. Nội dung này bạn phải trả lời được những câu hỏi: Trong tổ chức đó bạn đảm nhiệm vị trí nào? Cụ thể công việc của bạn là làm gì? Bạn có những cống hiến nào cho tổ chức này? v.v.
Việc giải thích tường tận sẽ giúp nhà tuyển dụng nhận định rõ các kỹ năng và kinh nghiệm của bạn. Ví dụ như, nếu bạn làm việc trong vai trò Ban chủ nhiệm của tổ chức và bạn đã cống hiến rất nhiều trong các hoạt động ý nghĩa, đem lại giá trị cho cộng đồng thì đây là một điểm cộng để CV của bạn có thể chinh phục được các nhà tuyển dụng.
Liệt kê các kỹ năng
Bước cuối cùng của Affiliation trong CV là liệt kê các kỹ năng. Đó là những điều mà bạn học hỏi, tích lũy được trong quá trình tham gia vào các tổ chức, hiệp hội.
Một số kỹ năng như là quản lý tài chính, làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng đàm phán, v.v. Bạn chỉ nên lựa chọn một vài kỹ năng nổi trội và bạn cho rằng nó phù hợp và cần thiết với công việc đó.
Tuy nhiên, việc liệt kê các kỹ năng yêu cầu sự khéo léo và tinh tế. Bởi nhà tuyển dụng luôn là những người rất tinh ý, kỹ càng và thông minh. Họ có nhiều kinh nghiệm trong nghề, đã tiếp xúc với nhiều ứng viên nên họ dễ dàng nhận biết bạn đang thật lòng hay khoa trương, phóng đại bản thân. Hãy cân nhắc kỹ càng trước khi điền Affiliation vào CV.
Lời kết
Mong rằng những nội dung mà Glints đã cung cấp ở trên đã phần nào giúp bạn hình dung được khái niệm Affiliation là gì và giúp bạn có thêm cho mình những kỹ năng để viết mục Affiliation trong CV hoàn chỉnh.