Biên giới quốc gia, chủ quyền dân tộc là một trong những vấn đề được đặc biệt quan tâm không chỉ tại Việt Nam mà còn là vấn đề chung của mọi quốc gia trên thế giới. Bởi biên giới quốc gia thể hiện chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng, bất khả xâm phạm của mỗi nước. Do đó, việc xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ và cũng là nghĩa vụ của bất kỳ công dân nào.
1. Biên giới quốc gia là gì?
Biên giới quốc gia, chủ quyền lãnh thổ là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Địa bàn biên giới, vùng biển có vị trí chiến lược quan trọng, là “tuyến đầu”, “cửa ngõ”, là “phên dậu” của mỗi quốc gia. Chủ quyền, an ninh biên giới là một bộ phận quan trọng không thể tách rời của an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc. Một quốc gia có biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định và phát triển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự vững mạnh của chế độ, của dân tộc. Lịch sử hàng nghìn năm tồn tại và phát triển của dân tộc Việt Nam đã chứng minh rằng, dựng nước phải gắn bó chặt chẽ với giữ nước.
Do đó, trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, biên cương – địa đầu Tổ quốc, là nơi thiêng liêng phải được bảo vệ vững chắc. Đây là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, của các lực lượng vũ trang, trong đó Bộ đội biên phòng (BĐBP) giữ vai trò chuyên trách, nòng cốt.
Lãnh thổ, biên giới quốc gia là vấn đề thiêng liêng, quan trọng của mỗi quốc gia, dân tộc, đồng thời là vấn đề nhạy cảm trong các quan hệ quốc tế. Trong lịch sử nhân loại, không ít trường hợp do những tranh chấp về biên giới, lãnh thổ hoặc giải quyết các vấn đề về biên giới, lãnh thổ không thoả đáng mà dẫn đến nhiều cuộc chiến tranh giữa các quốc gia ở những quy mô khác nhau.
Luật biên giới quốc gia năm 2003 quy định:
Biên giới quốc gia của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là đường và mặt thẳng đứng theo đường đó để xác định giới hạn lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, vùng biển, lòng đất, vùng trời của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Biên giới quốc gia được xác định bằng điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập hoặc do pháp luật Việt Nam quy định.
– Biên giới quốc gia trên đất liền được hoạch định và đánh dấu trên thực địa bằng hệ thống mốc quốc giới.
– Biên giới quốc gia trên biển được hoạch định và đánh dấu bằng các toạ độ trên hải đồ là ranh giới phía ngoài lãnh hải của đất liền, lãnh hải của đảo, lãnh hải của quần đảo của Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và các điều ước quốc tế giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quốc gia hữu quan. Các đường ranh giới phía ngoài vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế và thềm lục địa xác định quyền chủ quyền, quyền tài phán của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và các điều ước quốc tế giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quốc gia hữu quan.
– Biên giới quốc gia trong lòng đất là mặt thẳng đứng từ biên giới quốc gia trên đất liền và biên giới quốc gia trên biển xuống lòng đất. Ranh giới trong lòng đất thuộc vùng biển là mặt thẳng đứng từ các đường ranh giới phía ngoài của vùng đặc quyền về kinh tế, thềm lục địa xuống lòng đất xác định quyền chủ quyền, quyền tài phán của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 và các điều ước quốc tế giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các quốc gia hữu quan.
– Biên giới quốc gia trên không là mặt thẳng đứng từ biên giới quốc gia trên đất liền và biên giới quốc gia trên biển lên vùng trời.
2. Nội dung xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia:
Biên giới quốc gia có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, vì vậy cần phải bảo vệ biên giới quốc gia. Để bảo vệ biên giới quốc gia, Đảng và Nhà nước ta đã đưa ra các quan điểm như sau:
– Thứ nhất, xây dựng, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia là một nội dung quan trọng của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Lãnh thổ và biên giới quốc gia là một bộ phận hợp thành quan trọng, không thể tách rời của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Lãnh thổ và biên giới quốc gia là yếu tố cơ bản bảo đảm cho sự ổn định của đất nước Việt Nam. Chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia là sự khẳng định chủ quyền của Nhà nước Việt Nam. Vì vậy, xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia là một nội dung đặc biệt quan trọng của xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa không thể thành công nếu chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia không được xây dựng và bảo vệ tốt.
– Thứ hai, chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia là thiêng liêng bất khả xâm phạm của dân tộc Việt Nam.
Nhà nước Việt Nam, nhân dân Việt Nam quyết tâm giữ gìn và bảo vệ quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm về chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia. Luật Biên giới quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khẳng định: “Biên giới quốc gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế – xã hội, tăng cường quốc phòng và an ninh của đất nước.”
– Thứ ba, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định; giải quyết các vấn đề tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của nhau.
Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định là vấn đề đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Quan điểm này phù hợp với lợi ích và luật pháp của Việt Nam. Đảng và Nhà nước ta coi việc giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế – xã hội. Trong giải quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ, biên giới, Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán thực hiện quan điểm giải quyết các tranh chấp bằng thương lượng hòa bình, tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của nhau.
Về vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, quan điểm nhất quán của Việt Nam là: Việt Nam khẳng định chủ quyền không thể tranh cải đối với vùng biển, đảo của Việt Nam trên biển Đông, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và pháp lý về vấn đề này. Tuy nhiên, vì lợi ích liên quan chung của các bên hữu quan, Việt Nam sẵn sàng đàm phán hòa bình để giải quyết.
– Thứ tư, xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia là sự nghiệp của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, lực lượng vũ trang là nòng cốt.
3. Biện pháp xây dựng và bảo vệ biên giới quốc gia:
Để góp phần giữ vững an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội ở những khu vực trọng điểm biên giới, trong hợp tác quốc tế giải quyết các vấn đề về chủ quyền an ninh biên giới, lãnh thổ cần thực hiện tốt mấy biện pháp cơ bản sau:
Một là, nắm vững pháp luật quốc tế, đường lối, quan điểm của Đảng và pháp luật của Nhà nước ta trong giải quyết các vấn đề về biên giới, lãnh thổ
Đảng và Nhà nước ta khẳng định nhất quán: “Nước Cộng hoà XHCN Việt Nam thực hiện chính sách xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, ổn định lâu dài với các nước láng giềng; giải quyết các vấn đề về biên giới quốc gia thông qua đàm phán trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích chính đáng của nhau”. Đây là quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, là định hướng cho các cấp, các ngành, các lực lượng quán triệt và thực hiện trong quá trình giải quyết các vấn đề về biên giới, vùng biển với các nước láng giềng, khu vực.
Hai là, phải quán triệt mục tiêu, nguyên tắc, phương châm trong giải quyết các vấn đề về biên giới, vùng biển với các nước có liên quan
Giải quyết các vấn đề về biên giới, vùng biển là công việc vô cùng khó khăn, phức tạp, rất căng thẳng do đụng chạm đến lợi ích của các quốc gia. Vì vậy, quá trình giải quyết các vấn đề có liên quan đến biên giới, lãnh thổ phải bảo đảm các mục tiêu: Giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia; bởi vì, độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích quốc gia là vấn đề thiêng liêng của mỗi quốc gia, dân tộc.
Ba là, cần xác định nội dung hợp tác quốc tế giải quyết các vấn đề về biên giới, vùng biển phù hợp với từng nước trong từng giai đoạn
Trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam – Trung Quốc, cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ phân giới cắm mốc, phấn đấu hoàn thành công tác phân giới cắm mốc vào năm 2008; ký Nghị định thư về phân giới cắm mốc và Hiệp định về quy chế biên giới thay thế Hiệp định tạm thời năm 1991. Không mất cảnh giác, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, xây dựng quan hệ láng giềng hữu nghị, giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào, khẩn trương triển khai thực hiện Dự án tăng dày và tôn tạo mốc quốc giới và đàm phán thoả thuận phương án giải quyết khu vực Ngã ba biên giới Việt Nam – Lào – Cămpuchia. Trên tuyến biên giới Việt Nam – Cămpuchia, triển khai phân giới cắm mốc theo Hiệp ước bổ sung Hiệp ước hoạch định biên giới năm 1985, hoàn thành theo đúng thời gian mà hai nước đã thoả thuận.
Trên vùng biển, vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp vì những lợi ích kinh tế, chính trị, an ninh khác nhau giữa các quốc gia trong khu vực. Vì vậy, cần tiếp tục đàm phán với các nước láng giềng có liên quan giải quyết ranh giới trên biển, tìm ra những giải pháp gìn giữ hoà bình, ổn định ở khu vực.
Bốn là, tiếp tục xây dựng, củng cố mối quan hệ phối hợp giải quyết các vấn đề về biên giới, vùng biển với các nước
Ngày nay, quan hệ quốc tế liên tục được mở rộng, phát triển đa phương, đa dạng, trên nhiều lĩnh vực. Lợi ích quốc gia thường đan xen trong các quan hệ đó. Vì vậy, phải tranh thủ mọi quan hệ, mọi thời cơ, điều kiện thuận lợi để xúc tiến và thúc đẩy việc giải quyết các vấn đề về biên giới, lãnh thổ. Trong quan hệ với các nước cần phát huy yếu tố tương đồng, nhu cầu về sự ổn định phát triển của mỗi nước để thương lượng, nhân nhượng lẫn nhau. Theo đó, với Trung Quốc cần dựa vào quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa hai dân tộc, mối quan hệ giữa hai Đảng Cộng sản, thực hiện phương châm 16 chữ: “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”. Với Lào, cần phát huy mối quan hệ hữu nghị đặc biệt vốn có, củng cố biên giới hoà bình, hữu nghị, đập tan mọi âm mưu chia rẽ, phá hoại của các thế lực thù địch. Với Cămpuchia, cần khơi dậy mối quan hệ truyền thống giữa ba nước Việt Nam – Lào – Cămpuchia trong hai cuộc kháng chiến; đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu gây mất ổn định biên giới Việt Nam – Cămpuchia.
Bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia là nhiệm vụ nặng nề nhưng hết sức thiêng liêng và cao cả. Bởi vì, đó chính là nhiệm vụ gìn giữ tài sản vô giá mà ông cha ta đã phải đổi bằng xương máu trong lịch sử tồn tại và phát triển của quốc gia, dân tộc. Sự nghiệp ấy đòi hỏi phải có sự quan tâm thích đáng của Đảng, Nhà nước và sự tham gia với tinh thần trách nhiệm cao của các Bộ, Ngành từ Trung ương đến địa phương cùng nhân dân cả nước, với tinh thần “Tất cả hướng về biên giới”, xây dựng biên giới ngày càng giàu mạnh.