Chi phí tài chính là gì
Chi phí tài chính (Financial Charges) là một khoản chi hoặc khoản thiệt hại (lỗ) phát sinh từ hoạt động tài chính của doanh nghiệp.
Hoạt động tài chính ở đây chẳng hạn như việc đầu tư chứng khoán, góp vốn, vay và cho vay,…
Ví dụ dễ hiểu nhất về chi phí tài chính là khoản lãi suất vay ngân hàng hay khoản lỗ do giá chứng khoán kinh doanh sụt giảm.
Để xem số liệu chi phí này, bạn có thể theo dõi trên báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp đó.
Chi phí tài chính bao gồm những khoản nào?
Theo quy định tại điều 82 thông tư 200/2014/TT-BTC, chi phí tài chính bao gồm các khoản sau đây:
- Chi phí cho vay và đi vay vốn
- Chi phí góp vốn liên doanh, liên kết,
- Lỗ chuyển nhượng chứng khoán ngắn hạn, chi phí giao dịch bán chứng khoán;
- Dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh, dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác
- Khoản lỗ phát sinh khi bán ngoại tệ
- Lỗ tỷ giá hối đoái…
- Các khoản chi phí hoặc khoản lỗ liên quan đến đầu tư tài chính khác như:
- Lãi mua trả chậm
- Lãi thuê tài chính
- Chiết khấu thanh toán
- ….
Để nhận diện loại chi phí, bạn cần dựa vào mục đích sử dụng hoặc căn cứ phát sinh loại chi phí đó có phải là vấn đề tài chính hay là đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này giúp bạn phân biệt nó với chi phí quản lý doanh nghiệp hay chi phí bán hàng.
Chẳng hạn: Doanh nghiệp chiết khấu cho khách hàng thanh toán sớm. Vấn đề thanh toán này chính là một chính sách tài chính của DN để thu hồi vốn nhanh hơn, vì vậy nó được xem là chi phí tài chính.
Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp chiết khấu vì khách hàng mua số lượng lớn, mục đích lại là để bán được nhiều hàng hơn, liên quan đến hoạt động SXKD nên khoản này không phải chi phí tài chính.
Tài khoản hạch toán
Chi phí tài chính được hạch toán tại tài khoản 635. Kết cấu của tài khoản này như sau:
Bên Nợ Bên Có – Chi phí lãi tiền vay, lãi mua hàng trả chậm, lãi thuê tài sản thuê tài chính;
– Lỗ bán ngoại tệ;
– Chiết khấu thanh toán cho người mua;
– Các khoản lỗ do thanh lý, nhượng bán các khoản đầu tư;
– Lỗ tỷ giá hối đoái phát sinh trong kỳ hoặc do đánh giá lại các khoản mục có gốc ngoại tệ cuối năm tài chính.
– Số trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh, dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác;
– Các khoản chi phí của hoạt động đầu tư tài chính khác.
– Hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh, dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác
– Các khoản được ghi giảm chi phí tài chính;
– Cuối kỳ, kết chuyển toàn bộ chi phí tài chính phát sinh trong kỳ sang tài khoản 911 để xác định kết quả hoạt động kinh doanh.
Tài khoản 635 không có số dư cuối kỳ.
Hạch toán một số chi phí tài chính thường gặp
Lỗ các khoản đầu tư tài chính
Nếu bán chứng khoán kinh doanh hoặc các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết mà phát sinh lỗ, kế toán hạch toán:
Nợ các TK 111, 112,… (giá bán tính theo giá trị hợp lý của tài sản nhận được)
Nợ TK 635 – Chi phí tài chính (lỗ)
Có các TK 121, 221, 222, 228 (giá trị ghi sổ).
Khoản chiết khấu thanh toán
Nếu bên mua được giảm một khoản do thanh toán trước hạn, kế toán hạch toán:
Nợ TK 635 – Chi phí tài chính
Có các TK 131, 111, 112,…
Hạch toán chi phí lãi vay, lãi trái phiếu
- Trường hợp đơn vị phải thanh toán định kỳ lãi tiền vay, lãi trái phiếu cho bên cho vay, ghi:
Nợ TK 635 – Chi phí tài chính
Có các TK 111, 112,…
- Trường hợp đơn vị trả trước lãi tiền vay, lãi trái phiếu cho bên cho vay, ghi:
Nợ TK 242 – Chi phí trả trước (nếu trả trước lãi tiền vay)
Có các TK 111, 112,…
Định kỳ, khi phân bổ lãi tiền vay, lãi trái phiếu theo số phải trả từng kỳ vào chi phí tài chính, ghi:
Nợ TK 635 – Chi phí tài chính
Có TK 242 – Chi phí trả trước.
- Trường hợp vay trả lãi sau:
– Định kỳ, khi tính lãi tiền vay, lãi trái phiếu phải trả trong kỳ, nếu được tính vào chi phí tài chính, ghi:
Nợ TK 635 – Chi phí tài chính
Có TK 341 – Vay và nợ thuê tài chính (3411) (nếu lãi vay nhập gốc)
Có TK 335 – Chi phí phải trả.
– Hết thời hạn vay, khi đơn vị trả gốc vay và lãi tiền vay, ghi:
Nợ TK 341 – Vay và nợ thuê tài chính (gốc vay còn phải trả)
Nợ TK 34311 – Mệnh giá trái phiếu
Nợ TK 335 – Chi phí phải trả (lãi tiền vay của các kỳ trước)
Nợ TK 635 – Chi phí tài chính (lãi tiền vay của kỳ đáo hạn)
Có các TK 111, 112,…
Kinh nghiệm phân tích chi phí tài chính
Chi phí tài chính cũng là một khoản mục góp phần tạo nên kết quả lãi – lỗ cả kỳ của doanh nghiệp. Vì vậy, không được bỏ qua chi phí này khi phân tích báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
- Trường hợp chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng:
Cần xem xét xem khoản tăng này đến từ khoản chi cụ thể nào:
– Nếu tăng do phát sinh thêm các khoản lãi phải trả, cho thấy DN đang huy động thêm vốn để tăng cường hoạt động SXKD. Tuy nhiên điều này cũng cho thấy áp lực trong việc kiểm soát các khoản chi phí để tránh lỗ ngược do các khoản lãi này.
– Nếu tăng do lỗ tỷ giá, lỗ từ chứng khoán, góp vốn liên doanh liên kết… thì cho thấy các hoạt động đầu tư tài chính của doanh nghiệp đang kém hiệu quả.
- Trường hợp chi phí tài chính giảm:
Trường hợp này cũng phát sinh hai khả năng:
– Doanh nghiệp đang cân đối tài chính tốt và trả bớt nợ để giảm áp lực tài chính, góp phần tăng trưởng lợi nhuận.
– Hoặc doanh nghiệp đang hạn chế bớt các hoạt động đầu tư tài chính, vay mượn tài chính trước đó vì nhiều lý do.
Khi phân tích chi phí tài chính của doanh nghiệp, cần xem xét cả tình hình kinh doanh (lãi lỗ) của doanh nghiệp, đối chiếu với cơ cấu Nợ phải trả – Vốn chủ sở hữu để đánh giá một cách đầy đủ.