25 năm trước, Chương Tailor chỉ là một tiệm may nhỏ của nghệ nhân trên đất Sài Gòn. Dương Văn Chương lúc đó là cậu học trò phụ cha khâu vá. Năm 2002, DươngVăn Chương mở công ty, đăng ký thương hiệu và phát triển thành hệ thống 6 showroom tại Hà Nội, 1 tại TP.HCM ngày nay.
Anh gắn bó với nghề của gia đình từ lúc nào?
Gia đình tôi gốc ở miền Trung, sau đó có thời gian bố mẹ tôi chuyển ra Bắc, cuối cùng vào Nam để mở tiệm may. Trước đây, bố tôi làm nhỏ lẻ thôi. Ông là một nghệ nhân, vừa cắt vừa may từ A-Z. Nhà có 7 anh em nhưng tôi là người duy nhất mê thời trang. Từ bé tôi đã ngồi phụ bố đơm cúc khuy rồi khâu vá tỉ mỉ, giống như những đứa con của các nghệ sĩ theo cha mẹ lên sân khấu biểu diễn khi còn nhỏ vậy.
Vì đam mê nên tôi rất giỏi và đi lên từ nghề. Ở thời kỳ đỉnh cao, một ngày đêm, tôi cắt tay được 52 bộ suit, cắt tới giãn cả cơ tay. Đó là giai đoạn đầu khó khăn, chưa có tiền thuê người, và mình là thợ cả, tự tay làm tất.
Nói về nghề, người cắt may ở nước mình rất nhiều nhưng để thành công và giàu có thì không nhiều. Cứ ráo mồ hôi là hết tiền. Nếu vẫn đơn thuần làm nghề như bố thì giờ tôi cũng giống như các nhà may khác, chắc chỉ đủ ăn. Hết thời mình, hết sức khỏe là lụi nghề.
Từ khi nào anh bắt đầu nhen nhóm ý định sẽ thay đổi mô hình làm trước đây của bố?
Vì yêu thời trang nên tôi quyết định học theo những thứ bài bản nhất từ quốc tế và có thời gian tìm hiểu tại Pháp. Năm 1999, tôi trở về kế nghiệp và lập công ty tại Hà Nội. Gia đình mở hiệu may từ năm 1968 nhưng tới 2002 tôi mới đi đăng ký thương hiệu Chương Tailor. Ở thời điểm cách đây gần 20 năm, việc này còn rất lạ lẫm.
Trước đây, Chương Tailor chỉ có một cửa hàng ở Sài Gòn và hai ở Hà Nội. Khi tiếp quản, nhận thấy yếu tố thời tiết có 4 mùa giúp các cơ sở ngoài Bắc có cơ hội phát triển mạnh, tôi mở thêm 4 showroom và đưa toàn bộ quy trình may đo trước đây thành hệ thống. Chúng tôi phục vụ khách hàng chuyên nghiệp, với dịch vụ 5 sao.
Không giống như các nhà may khác, ông chủ vừa đo cắt vừa nhận trả đúng như kiểu nghệ nhân của bố tôi trước đây, tôi chia nhỏ các khâu và chuẩn hóa theo quốc tế.
Ví dụ, khách tới sẽ được nhân viên tiếp đón, sau đó đo và thử size để tìm ra thông số chuẩn, phù hợp nhất với khách hàng. Với các sản phẩm cao cấp, chúng tôi dựng demo cho khách thử, chỉnh sửa trên sản phẩm đó tới khi tìm được “đáp án đúng nhất”, đưa ra bộ đồ dành riêng cho từng khách hàng. Lúc này, các nghệ nhân mới bắt đầu cắt đo.
Việc kết hợp giữa quy trình hiện đại với nghệ nhân truyền thống giúp cho sản phẩm khi tới tay khách hàng sẽ vừa vặn, tinh tế, đẳng cấp và đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Trong quá trình chuyển giao từ cách làm của một nghệ nhân sang hệ thống hóa theo quy chuẩn, anh gặp những khó khăn gì?
Khó khăn thì rất nhiều. Từ cấp độ tự làm, tự đo, tự cắt, thậm chí tự trao trả hàng cho khách, giờ đây, tôi phải nghiên cứu chiến lược, rồi xây dựng hệ thống, hướng dẫn nhân viên. Quy trình bao gồm đào tạo, giao việc ủy quyền, kiểm tra kiểm soát và đánh giá khen thưởng. Ngay cả phần mềm của hệ thống cũng phải nghiên cứu và phát triển.
Việc thuyết phục các nghệ nhân, thợ cả lành nghề về làm cho mình cũng không đơn giản. Tôi tự tin rằng, những thợ giỏi nhất Việt Nam hiện nay tôi đã gom về hết rồi. Họ là những người ở độ tuổi chín của nghề, gắn bó với công việc này hàng chục năm và thực sự là những ngôi sao.
Từ người thợ cả làm tất cả các công đoạn đến nay là ông chủ quản lý hệ thống showroom theo quy chuẩn, vì sao anh vẫn kiêm thêm vai trò người mẫu trong các lookbook của mình?
Việc này liên quan tới hình ảnh của thương hiệu. Những bộ đồ may đo cao cấp của chúng tôi, khi khoác lên người mẫu, đặc biệt là mẫu tây sẽ làm nên những bộ ảnh đẳng cấp. Nếu “vắng mặt” tôi, sẽ rất dễ bị hiểu lầm là ảnh nước ngoài. Khi gắn liền thương hiệu và nhân hiệu của mình, cũng chính là hình ảnh đại diện của tôi vào bộ ảnh, không ai có thể nhầm lẫn hay tùy tiện sử dụng được. Chỉ cần nhìn vào lookbook là sẽ biết ngay.
Điều gì khiến một bộ suit Chương Tailor khác biệt với những nhà may khác?
Đó là do rất nhiều thứ cộng lại, mỗi thứ một ít mà nghề may – dù là cốt lõi, chỉ chiếm 30-40% mà thôi, còn lại là thương hiệu, dịch vụ, truyền thông, quy chuẩn của hàng hóa… Mà đầu tiên là dịch vụ, khi khách đến, đó là điều đầu tiên họ cảm nhận được: nhân viên ăn mặc ra sao, họ được đón tiếp thế nào, showroom được trang trí có đẹp và chuyên nghiệp không, tư vấn được tiến hành ra sao…
Và tất nhiên, chất lượng của các bộ suit là điều đương nhiên phải vượt trội. Thành công, định vị của một thương hiệu đều nằm ở chất lượng. Tất cả nguyên liệu của chúng tôi đều được nhập khẩu, may đo tỉ mỉ dưới bàn tay của những nghệ nhân và theo tiêu chuẩn của quốc tế. Tất cả mọi bộ suit của Chương Tailor đều phải ôm người, không bị vặn một chút nào, đấu kẻ từ A đến Z (điều rất khó trong kỹ thuật may đo)… khi mặc lên là luôn vừa vặn.
Trong phòng sáng tạo của Chương Tailor, chúng tôi luôn có ít nhất 5 bộ đồ cao cấp của 5 thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới về suit. Để làm gì? Để mổ xẻ, so sánh, học hỏi từ những chi tiết nhỏ nhất: cái cổ, cái tay, ve áo, đấu kẻ… để sản phẩm của mình hoàn hảo như vậy, thậm chí vượt hơn.
Đồng thời, nghiên cứu kỹ cũng để tìm ra sự khác biệt, giúp cho chúng tôi có định vị riêng. Nếu xét về thương hiệu, Chương Tailor chưa bằng họ, nhưng về chất lượng, chi tiết và độ tỉ mỉ thì phải bằng hoặc hơn. Thế nên, bạn sẽ thấy một bộ suit dao động khoảng 10-20 triệu đồng của Chương Tailor chỉ là hàng bình thường. Còn sản phẩm cao cấp, có giá từ 100-600 triệu đồng.
Bộ suit làm bằng chất liệu gì và như thế nào mà lại có mức giá “khủng” như vậy?
Có rất nhiều lý do. Như vải chẳng hạn, đó sẽ là hàng siêu cao cấp có độ len, độ silk cao nhất được tạo thành từ lông tơ của lạc đà không bướu, còn được gọi là “sợi tơ của chúa trời”. Những người thợ thủ công dùng sợi lông tơ từ vai và cổ của lạc đà Vicuna để dệt vải. Việc lấy lông của lạc đà tốn rất nhiều thời gian, mỗi con chỉ cho ra 500g len mỗi năm và 2 năm sau mới cho thu hoạch lần tiếp theo. Đó là loại vải siêu nhẹ, siêu bền và mặc vô cùng mát.
Ở cấp độ cao hơn, khách hàng có thể dệt tên riêng trên vải để tạo thành họa tiết có một không hai. Loại cao cấp nhất là dệt sợi vàng 24K.4m vải dệt tên riêng loại cao cấp này sẽ được thực hiện trong 3 tháng. Trước khi nhận vải 1 tháng, chúng tôi sẽ lấy số đo của khách hàng, may một bộ demo loại 10-20 triệu để thử dập trên bìa giấy. Khách sẽ mặc và tiếp tục được điều chỉnh cho vừa vặn nhất. Tới khi họ hoàn toàn ưng ý, không chê một chút xíu nào hết, người nghệ nhân tốt nhất của chúng tôi mới bắt đầu dựng áo hoàn thiện.
Sản phẩm sẽ được hoàn thiện ở mức cao cấp nhất, không bao giờ bị sai lệch một ly, không bao giờ phải chỉnh sửa. Đường may thẳng, “nguyên zin”, không bao giờ có chắp nối. Đó là bộ suit bespoke hoàn hảo từ trong nhận thức.
Anh đã may được bao nhiêu bộ như thế rồi?
Khá nhiều rồi nhưng chúng tôi luôn tôn trọng sự riêng tư của khách hàng. Chỉ một số người là anh em bạn bè thân thiết của tôi, họ đồng ý cho sử dụng hình ảnh, thông tin để công khai. Gần đây nhất tôi có chia sẻ trên Facebook về là một khách hàng 27 tuổi, may bộ 414 triệu.
Phục vụ những khách hàng “VIP” như thế, ngoài việc giữ bí mật thông tin, còn điều gì đặc biệt nữa không?
Chỉ số chung của những khách hàng này là họ đều rất thông minh và thích sự khác biệt. Chúng tôi thường phục vụ những khách hàng này tận nơi. Trên 50% trong số họ do chính tôi tới tư vấn. Tôi hiểu rằng, họ không chỉ mua sản phẩm để mặc thông thường mà còn mua cả dịch vụ, danh tiếng.
Bản thân tôi cũng là người yêu và dùng rất nhiều hàng hiệu. Chính vì dùng nên mình mới hiểu làm sản phẩm cao cấp là như nào. Tôi hay nói với nhân viên, có 2 thứ để cảm nhận nhanh nhất, 1 là kim cương, 2 là số điện thoại. Ví dụ, số đuôi 8888 giá khoảng 300 triệu đồng nhưng nếu là 88888 thì lên tỷ rưỡi ngay. Mà 888888 lên 4,5 tỷ, 8888888 lên 10 tỷ và 88888888 là 2 triệu đô.
Phải cảm nhận được khác biệt ở đây là cái gì. Nếu là khác biệt về vải thì không đáng giá 400-500 triệu đâu. Người làm chủ phải hiểu cái khác biệt mình đang cho khách hàng là gì. Vì thế, tòa nhà mới sắp khai trương của chúng tôi có cả phòng tổng thống để tiếp đón khách hàng VIP. Họ đến không chỉ để may một bộ đồ mà còn muốn tận hưởng một dịch vụ tổng thể. Chúng tôi sẽ đón tiếp họ như một tổng thống, một ông vua.
Tới giờ anh vẫn mặc đồ hàng hiệu chứ?
Ngày trẻ, body đẹp thì tôi hay mặc hàng hiệu các loại. Nhưng giờ chỉ mặc suit của Chương Tailor thôi, 365 ngày tôi mặc suit, nóng 42 độ vẫn mặc. Đấy là sở thích, đam mê rồi. Ở showroom, tôi để nhiệt độ rất lạnh để nhân viên có thể mặc suit thoải mái trong cả mùa hè.
Chính vì đam mê và làm bằng trái tim, hết lòng vì thời trang nên thành công tự tới. Dù có mua một mảnh đất vài tháng sau nó lãi chục tỷ tôi cũng không thích bằng việc một bộ suit mới vừa được lên kệ đâu.
Những người béo bụng, hạn chế về chiều cao có thể mặc suit đẹp được không?
Đẹp chứ! Lấy ví dụ chính bản thân tôi luôn. Chân ngắn, lưng dài, bụng to, nặng 78 kg thì tạo dáng và form để có thể mượn chiều dài và thiếu chiều ngang. Cụ thể tôi sẽ mặc ống tay nhỏ một tí để hở sơ mi ra, nhưng áo mặc phải dài ra, chiều ngang rút ngắn lại… Chỉ bấy nhiêu thôi đã đủ tạo dáng khác rồi. Không có gì mặc đẹp bằng suit cả.
Hôm trước, ca sĩ Tô Minh Thắng đến may một bộ suit đi diễn xong, nói với tôi: “30 năm em mặc suit đứng trên sân khấu biểu diễn rồi mà chưa bao giờ mặc một bộ suit thấy tự tin như thế”. Thắng vai to, chân ngắn và người hình chữ V, mình phải thu vai vào nhưng xử lý bắp tay rộng ra để cử động được… Làm sao để quần áo vừa vặn và bộ vest được tạo ra là để dành riêng cho vị khách ấy.
Theo anh, sự khác biệt giữa suit dành cho U30 và U50 là gì?
Việc này phụ thuộc vào tính cách và sở thích của từng người. Như anh Thuận Nguyễn (một stylist nổi tiếng) là gần 70 tuổi nhưng vẫn mặc theo tính cách của tuổi 25 mà, anh ấy vẫn mặc ống 16-17 chứ có mặc ống 22 đâu. Khi may đo một bộ suit bespoke cho khách hàng thì phải thỏa mãn những gì họ muốn chứ không phải theo tuổi.
Phải hiểu khách hàng thì mới lồng ghép tư vấn của mình vào được, chứ không thể áp đặt, phải thoả mãn những gì khách hàng mong muốn. Ở đây, đường kim mũi chỉ, dịch vụ, form dáng là theo kiểu của mình, còn sở thích ăn mặc ra sao là phải ý khách hàng. Đó cũng là lý do mà trong quy trình tôi lưu ý nhân viên phải phỏng vấn khách hàng thật kỹ, phỏng vấn sai là coi như đền cả bộ đồ.
Rất ít các nhà may suit lâu đời ở Việt Nam phát triển thành một thương hiệu với các bộ đồ bespoke cao cấp. Với một người sinh ra trong thời bao cấp và trải nghiệm cuộc sống không gắn liền với sự sang trọng, anh đã làm như thế nào?
Là do học thôi. Nếu đi theo con đường cắt may truyền thống như bố tôi thì vòng đời phát triển của sản phẩm cũng như vậy thôi, và thương hiệu cũng giống như những nhà may khác. Họ già đi thì thương hiệu cũng già theo chủ nhân.
Nhưng với tôi thì khác, nhờ học hỏi mà thương hiệu Chương Tailor có thể phát triển được và các trải nghiệm về sản phẩm, dịch vụ 5 sao cũng vậy. Giấc mơ của tôi là khi nói đến Chương Tailor ở Việt Nam thì người ta sẽ nghĩ ngay đến một thương hiệu thời trang như Hermes hay LV vậy.
Và Chương Tailor sẽ được phát triển thành công ty đại chúng, IPO và lên sàn. Điều này không phải là vì tiền đâu mà tôi muốn thương hiệu này trường tồn, chứ không phải là gia đình trị nữa. Khi ông chủ không còn phong độ thì có thể thuê người giỏi quản lý, thiết kế và điều hành cho mình; thương hiệu Chương Tailor sẽ vẫn tiếp tục phát triển.
Khái niệm “thương hiệu trường tồn” với một nhà may suit bespoke được phát triển từ một người thợ may có vẻ hơi xa vời ở Việt Nam?
Tôi hay đi Ý. Khi sang đó, tôi đi tham quan nhiều công trình mà tuổi đời từ 500 đến 800 năm chỉ là “trẻ con”, bởi những công trình nổi tiếng như Đấu trường La Mã hay Tòa thánh Vatican là hàng nghìn năm. Và công trình như Vatican họ được xây dựng qua nhiều thế hệ, với rất nhiều kiến trúc sư tạo nên. Họ phải có một tầm nhìn rất kinh khủng thì mới làm được chứ không thì cũng là kiểu xây xong cái nhà là hết.
Tôi cũng muốn xây dựng thương hiệu Chương Tailor của mình với tuổi đời như vậy và được xây dựng bởi nhiều “kiến trúc sư” khác nữa chứ không phải chỉ bố tôi và tôi.
Vậy mục tiêu gần nhất của anh để có thể xây dựng một thương hiệu Chương Tailor như vậy là gì?
Tham vọng của tôi là 5 năm nữa mình có thể mở một cửa hàng may bespoke tại Savile Row – con phố thời trang nổi tiếng ở Anh, và có thể mở cửa hàng ở Mỹ nữa. Trong thời gian này, tôi cũng muốn đưa công ty IPO và lên sàn.
Còn ở Việt Nam, tôi mong muốn khi mọi người nhìn thấy tòa nhà của Chương Tailor, họ sẽ nhận ra ngay đặc trưng thương hiệu như là khi họ nhìn thấy cửa hàng của Louis Vuitton vậy.