Con đường tơ lụa
Khái niệm
Con đường tơ lụa trong tiếng Anh là Silk Route.
Con đường tơ lụa là con đường thương mại lịch sử có từ thế kỉ thứ hai trước Công nguyên cho đến tận thế kỉ 14 sau Công nguyên, trải dài từ châu Á đến Địa Trung Hải, đi qua Trung Quốc, Ấn Độ, Ba Tư, Ả Rập, Hy Lạp và Ý.
Được mệnh danh là Con đường tơ lụa vì con đường này diễn ra hoạt động buôn bán tơ lụa trong thời kì đó. Loại vải có giá trị này có nguồn gốc từ Trung Quốc, ban đầu có sự độc quyền sản xuất cho đến khi bí mật về cách làm ra nó được lan rộng. Ngoài lụa, tuyến đường cũng tạo điều kiện cho việc buôn bán các loại vải, gia vị, ngũ cốc, trái cây và rau củ, da động vật, gỗ, kim loại, đá quý và các mặt hàng khác có giá trị.
Năm 2013, Trung Quốc tuyên bố kế hoạch sẽ hồi sinh Con đường tơ lụa, kết nối với hơn 60 quốc gia ở châu Á, châu Âu, châu Phi và Trung Đông.
Con đường tơ lụa là một loạt các mạng lưới thương mại cổ đại kết nối Trung Quốc và Viễn Đông với các quốc gia ở châu Âu và Trung Đông. Tuyến đường bao gồm một tập hợp các điểm giao dịch và chợ được sử dụng để giúp lưu trữ, vận chuyển và trao đổi hàng hóa. Nó còn được gọi là Silk Road thay vì Silk Route.
Khách du lịch đã sử dụng lạc đà hoặc xe ngựa và ở trong nhà khách hoặc nhà trọ chỉ thường cách nhau một ngày đi đường. Khách du lịch dọc theo các tuyến hàng hải của Con đường tơ lụa, có thể dừng tại các cảng để có nước uống và những cơ hội thương mại.
Việc mở Con đường tơ lụa đã mang lại nhiều sản phẩm có tác động lớn đến phương Tây. Nhiều mặt hàng trong số này có nguồn gốc từ Trung Quốc, bao gồm cả thuốc súng và giấy. Chúng trở thành một trong những hàng hóa được giao dịch nhiều nhất giữa Trung Quốc và các đối tác thương mại phương Tây.
Lịch sử Con đường tơ lụa
Con đường tơ lụa ban đầu được thành lập dưới thời nhà Hán bởi Trương Khiên, một quan chức và nhà ngoại giao Trung Quốc. Trong một nhiệm vụ ngoại giao, ông đã bị bắt và giam giữ 13 năm trong chuyến thám hiểm đầu tiên của mình trước khi trốn thoát và theo đuổi các tuyến đường khác từ Trung Quốc đến Trung Á.
Con đường tơ lụa rất phổ biến trong thời nhà Đường, từ năm 618 đến 907 sau Công nguyên. Du khách có thể tùy chọn các tuyến đường bộ hoặc đường thủy để đến đích. Các tuyến đường phát triển cùng với ranh giới lãnh thổ và thay đổi trong việc điều hành quốc gia.
Ngoài việc tạo điều kiện cho trao đổi hàng hóa và văn hóa, nó cũng phục vụ sự phát triển của khoa học, công nghệ, văn học, nghệ thuật và các lĩnh vực nghiên cứu khác.
Con đường tơ lụa cũng giúp các nhà sư Phật giáo và châu Âu truyền giáo, là công cụ truyền bá Phật giáo, Kitô giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo và các tôn giáo khác trên khắp các khu vực.
Hồi sinh Con đường tơ lụa
Năm 2013, Trung Quốc bắt đầu chính thức khôi phục Con đường tơ lụa lịch sử dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình với chiến lược trị giá 900 tỉ USD có tên là “Một vành đai, một con đường” (OBOR). Dự án này là một cách để cải thiện khả năng kết nối của Trung Quốc với hơn 60 quốc gia khác ở Châu Á, Châu Âu và Đông Phi.
Còn được gọi là “Sáng kiến vành đai và con đường” (BRI), nó đi qua nhiều tuyến đường bộ và đường biển. Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa chủ yếu dựa trên đất liền để kết nối Trung Quốc với Trung Á, Đông Âu và Tây Âu, trong khi Con đường tơ lụa trên biển nối bờ biển phía nam của Trung Quốc với Địa Trung Hải, Châu Phi, Đông Nam Á và Trung Á.
Trung Quốc xem động thái mới này như là một cách quan trọng để cải thiện tăng trưởng trong nước. Nó giống như một phương thức để mở ra thị trường thương mại mới cho hàng hóa Trung Quốc, mang lại cho đất nước này cách thức xuất khẩu nguyên liệu, hàng hóa rẻ nhất và dễ dàng nhất.
Trung Quốc đã vượt qua nhiều cột mốc quan trọng trong sáng kiến OBOR, bao gồm cả việc kí kết hàng trăm giao dịch kể từ năm 2016. Vào tháng 1 năm 2017, một dịch vụ đường sắt mới sử dụng tàu chở hàng mang tên East Wind đã được giới thiệu từ Bắc Kinh đến London dọc theo tuyến đường lịch sử, di chuyển qua Kênh đào Anh để tới London. Hành trình kéo dài 16 đến 18 ngày, di chuyển gần 7.500 dặm. Các tuyến OBOR quan trọng khác cũng đi từ Trung Quốc đến 14 thành phố lớn của châu Âu.
(Theo Investopedia)