Từ thời xưa cho đến nay, nước ta đã xuất hiện nhiều nhân tài trong lĩnh vực toán học. Họ vừa làm rạng danh đất nước vừa là tấm gương để thế hệ sau noi theo. Cùng DINHNGHIA.COM.VN tìm hiểu về 13 nhà toán học kiệt xuất Việt Nam trong bài viết sau đây nhé!
Vũ Hữu
Vũ Hữu (1437 – 1530) là danh thần đầu triều của Vua Lê Thánh Tông và là nhà toán học nổi tiếng thời bấy giờ. Tiêu biểu phải kể đến lần ông giúp vua Lê Thánh Tông tính toán đúng số gạch cần xây cho công thành Thăng Long. Vũ Hữu đã tính không thừa cũng không thiếu viên nào, khiến vua quan trong triều bái phục.
Sau này, ông đã viết nên công trình “Lập thành toán pháp”. Đây được xem như quyển sách toán học đầu tiên của nước ta.
Lương Thế Vinh
Lương Thế Vinh (1441 – 1496) là vị trạng nguyên giỏi toán nhất trong lịch sử Việt Nam. Theo sách “Kể chuyện tấm gương hiếu học” thì ông sinh ra ở vùng nông thôn và có năng khiếu tính toán từ nhỏ.
Sách “Kể chuyện sứ thần Việt Nam” có kể về lần sứ nhà Minh là Chu Hy thách đố Lương Thế Vinh tính cân nặng của một con voi. Tưởng chừng thử thách này rất khó nhưng lại được ông giải quyết một cách rất dễ dàng.
Sau này, Lương Thế Vinh còn biên soạn sách “Đại thành toán pháp” để phổ biến toán học vào đời sống. Đây được xem là công trình toán học nổi bật nhất vào thời phong kiến ở nước ta. Nó đã nằm trong chương trình thi cử suốt 400 năm của nền giáo dục Đại Việt.
Nguyễn Hữu Thận
Nguyễn Hữu Thận (1757 – 1831) có xuất thân ở vùng quê nghèo huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Tên hiệu của ông là Ý Trai và là nhà toán học nổi tiếng triều nhà Nguyễn.
Trong chuyến đi sứ nhà Thanh, ông đã nghiên cứu để cải tiến phép lịch. Khi về nước, Nguyễn Hữu Thận trình với vua Gia Long và bắt tay vào biên soạn lịch “Hiệp Kỷ” có độ chính xác hơn. Mục đích của ông là để giúp nông dân nắm rõ thời vụ để cày, cấy kịp thời.
Không chỉ xây dựng lịch, Nguyễn Hữu Thận còn nghiên cứu rất nhiều về lĩnh vực toán học. Ông đã hoàn thành “Ý Trai toán pháp” – sách toán nổi tiếng của nước ta vào đầu thế kỷ XIX.
Ngô Bảo Châu
Giáo sư Ngô Bảo Châu (1972) lớn lên trong một gia đình trí thức ở Hà Nội. Khi học lớp 11 và 12, ông có tham gia cuộc thi Olympic Toán học quốc tế. Và ông đã giành được huy chương vàng trong 2 năm liên tục với số điểm tuyệt đối là 42/42.
Sau khi hoàn thành chương trình THPT tại Việt Nam thì ông sang Pháp để du học. Vào năm 2005, ông đã trở thành Giáo sư tại Đại học Paris-Sud 11 và là giáo sư trẻ tuổi nhất Việt Nam.
Một số giải thưởng tiêu biểu mà giáo sư Ngô Bảo Châu đã đạt được có thể kể đến như: Oberwolfach (2007), Huy chương Fields (2010), Maurice Audin (2018),… Và nhiều giải thưởng lớn khác.
Bùi Trọng Liễu
Bùi Trọng Liễu (1934 – 2010) là một tiến sĩ nhà nước về toán học. Ông lớn lên trong một gia đình trí thức ở huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Khi còn nhỏ, ông học song song 2 ngôn ngữ là tiếng Pháp và tiếng Hán.
Ông là tác giả của hàng trăm bài báo, tiểu luận, góp ý về nền giáo dục Việt Nam và hướng cải cách. Tất cả bài viết đều xuất phát từ mong muốn giáo dục nước nhà được phát triển hơn.
Ngoài ra, ông còn là tác giả của khoảng 30 công trình Toán học từ năm 1960 đến 1996. Sự đóng góp của ông đã góp phần cho lĩnh vực toán học tại Việt Nam ngày một tốt hơn.
Dương Hồng Phong
Dương Hồng Phong (1953) lớn lên tại tỉnh Nam Định. Ông học trung học tại Lycée Jean-Jacques Rousseau, Sài Gòn. Tiếp đó học năm nhất đại học ở École Polytechnique Fédérale, Lausanne, Thụy Sĩ. Sau đó, ông sang Mỹ học Đại học Princeton.
Ông là người Việt Nam thứ hai sau Frédéric Phạm vinh dự được nhận lời mời báo cáo tại Đại hội Toán học Thế giới được tổ chức ở Zurich.
Đến năm 2021, ông trở thành thành viên danh dự (Fellow) của Hội Toán học Hoa Kỳ vì có những đóng góp lớn cho ngành giải tích, hình học, và vật lý toán.
Đào Trọng Thi
Đào Trọng Thi (1951) lớn lên tại huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang. Ông là người thuộc dòng tộc Đào Trọng tại Hải Phòng. Dòng tộc này nổi tiếng hiểu học, có nhiều người đỗ đạt và làm quan lớn trong các triều đại phong kiến Việt Nam.
Sau khi tốt nghiệp loại xuất sắc ở bậc trung học phổ thông thì ông được cử đi học đại học tại trường Đại học Tổng Hợp Lomonosov, Liên Xô. Đây cũng là nơi Đào Trọng Thi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học.
Theo thống kê từ cơ sở dữ liệu MathSciNet của Hội Toán học Hoa Kỳ, Đào Trọng Thi đã công bố khoảng 26 công trình khoa học trong lĩnh vực toán học.
Đặng Đình Áng
Đặng Đình Áng (1926 – 2020) là một nhà toán học nổi tiếng của Việt Nam. Khoảng thời gian từ năm 1953 đến 1955, ông nhận được bằng cử nhân tại Đại học Kansas (Hoa Kỳ). Đến năm 1958, ông nhận bằng tiến sĩ tại Viện Công nghệ California (CalTech)
Vào năm 1988, ông được bổ nhiệm làm chủ tịch đầu tiên của Hội Toán học Thành phố Hồ Chí Minh. Đặng Đình Áng cũng là người đầu tiên đưa kiến thức về toán học hiện đại vào khu vực miền Nam Việt Nam.
Ngoài ra, Đặng Đình Áng còn là tác giả của 6 quyển sách liên quan đến chuyên đề giải tích và cơ học. Ông cũng đã có hơn 130 bài báo trong lĩnh vực phi tuyến và cơ học trên các tạp chí toán học trong và ngoài nước.
Hà Huy Khoái
Hà Huy Khoái (1946) lớn lên tại Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ông lớn lên trong một gia đình có nhiều người theo nghiệp toán như GS. TSKH Hà Huy Bảng và GS. TSKH Hà Huy Vui.
Năm 1967, ông tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành toán học tại Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đến năm 1984, Hà Huy Khoái trở thành tiến sĩ khoa học tại Viện Toán học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô.
Ngoài ra, ông cũng đã đào tạo ra nhiều lứa học trò giỏi. Tiêu biểu phải kể đến là PGS.TS. Tạ Thị Hoài An, cô là nữ toán học trẻ tuổi và tài năng của Viện Toán học.
Hoàng Xuân Hoãn
Hoàng Xuân Hãn (1908 – 1996) là một nhà toán học nổi tiếng của Việt Nam. Bên cạnh đó, ông còn là nhà ngôn ngữ học, nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa và giáo dục Việt Nam.
Khoảng thời gian từ năm 1936 đến 1939, ông dạy các lớp đệ nhất ban toán ở trường Bưởi tại Hà Nội. Đến năm 1942, Hoàng Xuân Hãn cho xuất bản quyển Danh từ khoa học do chính ông biên soạn. Trong đó có hơn 6000 từ về các lĩnh vực toán, lý, hóa, cơ và thiên văn.
Năm 1943, ông được trường Đại học Khoa học mời về dạy môn Cơ học. Đến tháng 4 năm 1945, ông còn được vua Bảo Đại mời vào Huế để tham khảo ý kiến về việc thành lập chính phủ độc lập đầu tiên của nước Việt Nam.
Ngô Việt Trung
Ngô Việt Trung (1953) có quê quán tại Điện Bàn, Quảng Nam. Ông từng học lớp chuyên Toán của Trường trung học phổ thông Việt Đức tại Hà Nội. Vào năm 1969, ông đã giành giải nhất cuộc thi học sinh giỏi Toán ở khu vực Miền Bắc.
Năm 1974, ông lấy được bằng thạc sĩ và 4 năm sau đó ông đạt được tiếp bằng tiến sĩ tại Đại học Martin-Luther Halle-Wittenberg.
Vào năm 2000, Giáo sư Ngô Việt Trung được bầu làm viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học các nước Thế giới thứ 3 (TWAS). Bên cạnh đó, ông cũng là giáo sư thỉnh giảng của nhiều Đại học danh tiếng ở châu Á và châu Âu.
Nguyễn Tiến Dũng
Nguyễn Tiến Dũng (1970) có quê quán tại Hà Nội. Ông là một nhà toán học nổi tiếng mang hai quốc tịch Pháp và Việt Nam.
Năm 15 tuổi, ông đạt huy chương vàng Olympic Toán quốc tế (IMO) với số điểm 35/42 và là học sinh Việt Nam nhỏ tuổi nhất đạt được thành tích lớn này. Đến năm 2015, ông vinh dự được CNU phong hàm giáo sư hạng đặc biệt.
Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng sở hữu hơn 50 bài báo khoa học và có nhiều bài được đăng trên các tạp chí khoa học hàng đầu như: Ann. Sci. École Norm. Sup., Lett. Math. Phys., Ann. of Math. và Phys. Lett. A.
Hoàng Tụy
Hoàng Tụy (1927 – 2019) lớn lên trong một gia đình có “nề nếp học giỏi”. Và ông cũng thừa hưởng được điều này. Năm 1954, ông đã trở thành giảng viên dạy toán của trường Đại học Khoa học tại Hà Nội.
Đến năm 1959, Hoàng Tụy đã bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ khoa học Toán – Lý tại Đại học Lomonosov ở Moskva. Từ năm 1961 đến 1968, Hoàng Tụy giữ chức vụ Chủ nhiệm Khoa Toán của Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1980, ông được bổ nhiệm làm Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam và làm chức vụ này trong suốt 9 năm.
Ngoài ra, Giáo sư Hoàng Tụy còn có nhiều bài viết phê phán thẳng thắn về những yếu kém và tiêu cực của nền giáo dục Việt Nam. Bên cạnh đó, ông cũng tham gia các hội nghị liên quan đến vấn đề cải cách giáo dục.
Xem thêm:
- 10 nhà khoa học nổi tiếng của Việt Nam bạn đã biết chưa?
- 34 nhà văn nổi tiếng thế giới có sức ảnh hưởng mọi thời đại
- Các nhà soạn nhạc nổi tiếng là ai? 21 nhà soạn nhạc danh tiếng nhất thế giới
Bài viết đã giới thiệu về 13 nhà toán học kiệt xuất Việt Nam. Hy vọng rằng họ sẽ là những tấm gương tốt trong học tập để bạn noi theo. Đón chờ những bài viết thú vị khác trên dinhnghia nhé!