Ninja, họ là ai trong lịch sử Nhật Bản?

Nhật Bản là một đất nước có một bề dày văn hóa truyền thống thú vị và bí ẩn để khám phá. Một trong những bí ẩn đó chính là Ninja. Họ là các điệp viên với hành tung khó đoán từng là nỗi khinh ghét nhưng cũng là ác mộng của Samurai.

Ninja là nhân vật văn hóa đặc sắc mà bất cứ ai quan tâm đến Nhật Bản đều biết, thường được mọi người nhớ đến với hình ảnh người mặc đồ đen với một thanh kiếm sắc nét và ném các phi tiêu hình ngôi sao. Hình ảnh Ninja Nhật đã được đưa vào hàng loạt phương tiện truyền thông giải trí từ các trò chơi điện tử, phim ảnh, truyện tranh đến tiểu thuyết khắp thế giới. Thậm chí người ta còn nói đùa rằng: Ngay cả Batman cũng là một Ninja! Sự bí ẩn của Ninja khiến một số học giả tin rằng họ không bao giờ thực sự tồn tại. Nhưng có thể họ đã sai và sự thật đằng sau bí mật Ninja Nhật Bản có rất nhiều điều thú vị.

Tên gọi ban đầu của Ninja

Thuật ngữ Ninja bắt đầu xuất hiện từ sau thế kỷ 20. Do tính chất bí mật của các môn phái tổ chức đánh thuê nên không có ghi chép cụ thể về nguồn gốc của “Ninja”. Danh xưng được dùng để mô tả những chiến binh sẽ tùy thuộc vào đặc thù và ngôn ngữ ở mỗi địa phương.​​ Ninja còn được gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau như: Ukagami, Dakkou, Kusa, Nokisaru, Kamari, Kanshi, Ninjutsu Tsukai,… Trong đó, Shinobi No Mono hay Shinobi là từ được dùng nhiều nhất. Thuật ngữ này xuất hiện sớm nhất, từ thế kỷ thứ 8 trong bài thơ của tác giả Manyoshu. Shinobi có nghĩa là “tàng hình” và “kiên trì”, Mono có nghĩa là “người”. Nếu nữ giới hành nghề Shinobi thì được gọi là “Kunoichi”.

Nguồn gốc của Ninja

Ninja trở nên nổi tiếng bởi những câu chuyện của chính họ trong thời kỳ Sengoku Jidai hoặc Chiến Quốc kéo dài chừng 100 năm lịch sử Nhật Bản. Trong thời gian này, chính phủ Trung ương Nhật Bản đã tan rã và các lãnh chúa trong cả nước bắt đầu chiến đấu để tìm kiếm đất đai, tài nguyên và quyền lực. Ninja phục vụ như là một lực lượng không đối xứng với các Samurai của quân đội và đội quân nông dân. Họ sở hữu kỹ năng do thám, ám sát, và truyền bá các thông tin sai lệch.

Nguồn gốc của Ninja Nhật có thể được tìm thấy trong “Yama bushi” (nghĩa là “chiến binh núi”) và đúng như tên gọi, Yama bushi không phải là những chiến binh thực sự. Họ là một tay sai của các linh mục sống trên núi và thờ phụng tự nhiên bằng cách tách biệt hoàn toàn khỏi nền văn minh. Nói cách khác, họ là những người sống sót. Yama bushi phổ biến hơn ở địa hình núi non hiểm trở của vùng Iga và Koka. Các Ninja đầu tiên sẽ được Yama bushi huấn luyện về kỹ thuật sống sót và sẽ thực hành những lời dạy đó cho hoạt động gián điệp và ám sát.

Để hiểu tại sao Ninja được hình thành trước tiên ở nơi đây thì người ta phải hiểu xã hội Nhật Bản vào thời đó. Samurai thuộc tầng lớp cai trị. Họ là đỉnh của kim tự tháp văn hóa. Chúng ta có những khái niệm rất hoang đường về Samurai ngày nay, nhưng cuộc sống hàng ngày dưới một chúa Samurai khiến họ không vui. Các quy tắc khắt khe về danh dự và cách đối xử với lòng trắc ẩn được giới hạn ở các Samurai khác. Mặt khác, cũng giống như nông dân họ được coi không bằng các con vật nuôi. Samurai được phép giết, hiếp dâm và bán thịt mà không bị trừng phạt.

Hai nhóm nông dân quyết định rằng họ muốn tiếp tục cuộc sống như vậy, vì vậy họ đã tách ra và thành lập các xã hội nhỏ của riêng họ. Hai ngôi làng: Iga và Koka, mà ở đó thiết lập một xã hội dân chủ. Họ biết rằng họ sẽ bị tấn công bởi các lãnh chúa khác xung quanh. Do đó, họ thành lập làng mạc ở những khu vực miền núi với rất nhiều lợi thế phòng thủ. Tự biết rằng họ sẽ không bao giờ có thể đứng trên với các đội quân Samurai lớn mạnh và được huấn luyện tinh nhuệ, họ được học từ Yama bushi và thành lập Ninja.

Địa vị của Ninja trong xã hội phong kiến Nhật Bản

Nước Nhật thời phong kiến có hai kiểu chiến binh là Samurai và Ninja. Samurai được coi là lực lượng binh lính thuộc hội quý tộc, được trọng dụng và ngưỡng mộ. Trong khi đó, Ninja lại có địa vị thấp hơn. Họ thường xuất thân từ những gia đình dân thường và làm lính đánh thuê cho các Samurai. Ninja cũng có thể là các cựu Samurai gặp phải biến cố hoặc bị tước đoạt danh hiệu.

Nhiệm vụ chính của Ninja

Hẳn nhiều người lầm tưởng rằng Ninja có nhiệm vụ là ám sát, tấn công theo lệnh của tổ chức, nhưng thực ra công việc chính của họ là thu thập thông tin. Ninja luôn do thám và nắm bắt các tin tức bí mật của phe đối thủ, một khi bị phát hiện thì sẽ lập tức đánh bài chuồn.​ Các Ninja tập luyện theo phái võ thuật Ninjutsu với slogan là “Tẩu thoát khi có thể” nếu không được thì mới lựa chọn hạ sách là ám sát đối phương. Họ được chỉ dạy, học võ thuật để tìm cách thoát khỏi nguy hiểm, bảo vệ chính mình và chỉ tấn công khi bị bại lộ. Tuy nhiên, sau này thì Ninja không chỉ làm mỗi nhiệm vụ mật thám nữa mà còn kiêm thêm cả nghề vệ sĩ, gián điệp hay ám sát thuê.

Đối với Kunoichi (Ninja nữ), theo các ghi chép lịch sử, họ không tham gia vào các nhiệm vụ gián điệp hay chiến đấu. Vai trò chính của họ là tiếp cận kẻ thù dưới mặt nạ của những người giúp việc hợp pháp. Sau đó, họ khai thác thông tin bí mật từ các cuộc trò chuyện bình thường với một người giúp việc khác hay những người làm công cho kẻ thù. Các nhà sử học cho hay mọi người thường không đề phòng phụ nữ nên các Kunoichi đã tận dụng lợi thế này.

Về nguyên tắc, công việc của Kunoichi là hỗ trợ cho các Ninja nam, đôi khi họ hoạt động độc lập và sử dụng vũ khí. Thậm chí, Kunoichi phải ngủ với kẻ thù và cố gắng khai thác những bí mật. Sau đó, họ có thể kiểm soát đối phương bằng tình dục. Vì thế, các ông chủ thường lựa chọn những cô gái xinh đẹp trong lứa tuổi trăng tròn để đào tạo thành Kunoichi. Nhiều chuyên gia khẳng định chiến thuật “bẫy mật ngọt” này không phải là mới vì nó tồn tại trong bất kỳ thời đại nào.

Ninja thường mặc màu đen?

Chúng ta luôn thấy Ninja xuất hiện trong một bộ đồ đen kín, giấu mặt, cho rằng màu áo này sẽ thuận tiện khi di chuyển trong đêm tối. Tuy nhiên, trang phục thực sự Ninja sử dụng là màu nâu sẫm. Màu đen bắt đầu phổ biến vào thời Edo, khi kịch Kabuko phát triển, và các Ninja trong những vở kịch này thường được miêu tả là mặc đồ đen.

Ngoài ra, Ninja còn có thể sử dụng màu xanh đậm, xanh lá cây, trắng (vào ngày trời tuyết), dù là màu sắc gì thì ưu tiên của họ vẫn là thuận tiện hoạt động.

Thủ thuật tấn công và vũ khí của Ninja

Ninjutsu có nghĩa “nghệ thuật của sự ẩn nấp và kiên nhẫn”, tuy nhiên Ninja không chỉ sử dụng những ngón đòn đột nhập, ẩn nấp và ám sát. Họ được đào tạo như một chiến binh, thậm chí có nguồn gốc từ Samurai.

Ninja không thiên về chiến đấu, vì họ cần bí mật và trốn thoát thành công mới là chiến thắng. Họ sẽ có những đòn đánh hiểm để phục vụ mục đích chạy trốn này, và nếu bị bắt, họ buộc phải tự kết liễu bản thân để không làm lộ thông tin.

Cũng giống như điệp viên ở phương Tây, các Ninja khi làm nhiệm vụ thường được trang bị mọi loại vũ khí lợi hại. Chúng ta thường được nghe kể về việc Ninja có thể bắt kiếm bằng tay không, tàng hình và thoắt ẩn thoắt hiện một cách thần kỳ. ​​Nhưng sự thật là Ninja không có khả năng xuất quỷ nhập thần như vậy mà họ được hỗ trợ bởi những trang thiết bị như: bom khói, cát khô để tẩu thoát trước mặt đối thủ, đánh lừa thị giác để kẻ địch mất cảnh giác rồi tìm cơ hội thoát thân.

Ninja thường tránh việc chém giết và phản công bằng những vũ khí như kiếm ngắn Ninjato và phi tiêu Shuriken.​​ Trong thực tế, các nhà sử học tin rằng khi làm nhiệm vụ, Ninja sẽ mang theo 2 loại vũ khí này cùng với một sợi xích Manriki, lưỡi hái Kusarigama, tùy vào nhiệm vụ. Các vũ khí này đều có ưu điểm là có thể được giấu kín, nhưng cũng lấy ra nhanh chóng được.

Nói về thuật di chuyển trên mặt nước, bí mật chính là ở các đôi giày của họ: các đôi giày da bơm đầy khí. Từ những kiến thức đã nhọc công luyện tập để có thể tạo thế thăng bằng trên mặt nước cùng đôi giày “có phép” này, trong mắt người thường, Ninja có thể di chuyển trên mặt nước nhẹ như không. Về thuật ẩn dưới nước (độn thủy), thực chất, các Ninja đã sử dụng các ống sậy rỗng làm ống thở. Ngoài ra, với các nhiệm vụ đòi hỏi sự bí mật cao, họ thở dưới nước bằng một túi da chứa đầy khí. Còn bí mật về thuật tàng hình của Ninja không ở đâu khác chính là ở cách sử dụng các loại bom khói. Khi gặp tình huống nguy cấp, họ tung các loại mù này vào đối phương và sử dụng khả năng di chuyển nhanh nhẹn của mình để “tàng hình”.

Về kỹ năng bay của Ninja, nhiều người nhìn từ xa trong bóng tối ngỡ rằng các Ninja huyền thoại có thể bay nhưng thực chất, với khả năng chạy, leo trèo nhẹ nhàng, thoăn thoắt, các Ninja có thể nhảy từ vị trí rất cao. Thêm nữa, việc sử dụng một loại dù nhỏ cùng màu với không gian hoạt động (như dù màu đen trùng với màn đêm) khi nhảy cũng khiến cho nhiều người hiểu lầm là họ có thể bay. Về thuật độn thổ, đây là thuật cần sự hỗ trợ của thuật tàng hình.

Sau khi sử dụng bom khói, các Ninja sẽ nhanh chóng thay đổi y phục để ngụy trang với không gian hoạt động. Giả sử, nếu muốn độn thổ ở trong rừng, các Ninja sẽ sử dụng các bộ đồ màu đất hoặc trùng với màu xanh của cây rừng. Với khả năng nín thở siêu việt cùng sự di chuyển nhanh nhẹn, họ có thể đột nhiên “biến mất” trước mắt đối phương.

Để thực hiện được những chiến thuật cực kỳ khó này, các Ninja không chỉ cần đến những bộ quần áo ngụy trang, sự di chuyển nhẹ nhàng, họ còn cần đến đầu óc phán đoán nhanh nhạy và bản lĩnh chế áp đối phương.

Để đo được thời gian mà không có đồng hồ, Ninja sử dụng Nekome – một thủ thuật xác định thời gian bằng cách nhìn vào mắt mèo. Buổi sáng, đồng tử mèo là một hình tròn, từ 8h đến trưa, đồng tử hẹp dần và trưa thì chỉ còn là một vạch thẳng. Tuy nhiên, cách này có nghĩa các Ninja phải mang theo hoặc tìm kiếm một chú mèo trong lúc làm nhiệm vụ chăng?

Ninja là một trong những nét văn hóa thú vị của Nhật Bản và hoàn toàn độc nhất vô nhị. Mặc dù trong lịch sử, nghệ thuật do thám, ám sát được phát triển khắp thế giới, nhưng Ninja vẫn là hình thức nổi tiếng và hiệu quả nhất.

Ninja xuất hiện thường xuyên trong phim ảnh, sách, truyện tranh, game. Mặc dù trong các sản phẩm hư cấu này, họ có vẻ “thần thánh” hơn. Nhưng so sánh với Ninja trong lịch sử Nhật Bản, họ cũng đã vốn là những nhân vật phi thường.

Ngày nay, Nhật Bản vẫn còn tồn tại hai Ninja cuối cùng

Ông Jinichi Kawakami – hậu duệ cuối cùng sở hữu những tuyệt kỹ của gia tộc Nhẫn Giả Ban Clan. Ông chia sẻ rằng: “Ở giai đoạn Edo, Ninja rất được trọng dụng. Họ có thể làm gián điệp, ám sát hay chế tạo thuốc”. “Nhưng hiện tại, chúng ta có súng, Internet và nhiều loại thuốc tốt hơn, do đó, nghệ thuật ninjutsu không còn chỗ trong thế giới này”, vì thế ông đã chọn nghề cơ khí để trang trải cho mọi chi phí sinh hoạt hằng ngày.

Tiếp đó là Masaaki Hatsumi 80 tuổi, cho biết ông là thủ lĩnh của Togakure, một gia tộc Ninja khác vẫn đang tồn tại. Ông là người sáng lập ra môn võ thuật quốc tế mang tên Bujincan.

Tuy còn sống, và sở hữu những bí kiếp võ thuật, nhưng hai vị Ninjutsu này không có ý định lựa chọn người thừa kế để truyền lại những bí phương võ nghệ này, cũng bởi sự hiện diện của Ninja hay những vũ khí ám sát cổ xưa đã không còn phù hợp với đời sống hiện đại. Không còn tồn tại những mối quan hệ chủ-Samurai,và lính đánh thuê- Ninjutsu, Ninja cũng không còn là những sát thủ bóng đêm như ngày nào. họ quay trở về với cuộc sống thường ngày. Mọi người đều phải kiếm tiền để sống, và Ninja thời nay cũng thế, họ cũng cần phải sống tiếp và sinh hoạt như những người bình thường để trụ vững ở thế giới thời hiện đại – thời đại của thế số và công nghệ được thay thế.

Nhưng họ vẫn là khách mời và cố vấn võ thuật, giảng dạy về các kỹ thuật mà Ninja từng sử dụng tại trường đại học Mie ở tỉnh Mie. Và tất nhiên rằng, Ninja cũng chỉ là người bình thường, họ sống rồi cũng sẽ nhanh chóng trở về lại với đất trời. Vì thế, môn võ này sẽ nhanh chóng bị thất truyền, và nó cũng sẽ chỉ còn được nhắc đến trên phim ảnh, truyện hay sách báo lịch sử..

Nếu có cơ hội, du khách hãy du lịch Nhật Bản thử một lần trải nghiệm đến tỉnh Mie để tận mắt chứng kiến những Ninjutsu huyền thoại và nếu may mắn hơn, có thể giao lưu cùng hai vị Ninja cuối cùng của Nhật Bản nhé!