Câu chuyện của Tấn Toàn
Học giỏi, đẹp trai con nhà giàu và đặc biệt là chuẩn man khiến cho nhiều bạn gái đổ đứ đừ. Nhưng Toàn lại chỉ được có thế, mỗi lần cậu chàng mon men nói chuyện với crush thì y như rằng nhận được câu từ chối phũ phàng. Đa số những lý do mà các bạn gái đưa ra là “sao anh đẹp trai mà nói chuyện nhạt thế?!”.
Một vài câu nói điển hình của Toàn khi gặp người khác đó chính là:
“Em ăn cơm chưa?”
“Em đang làm gì đó?
….. tiếp nối sau đó là cười, gãi đầu, gãi tai. Khi được hỏi gì thì đáp nấy chứ cũng không có hỏi lại.
Khi được hỏi lí do, Toàn nói rằng thực ra mình không biết nên nói gì và không nên nói gì? Mình không biết hỏi câu nào thì hợp lý? Mình lo rằng mình hỏi vấn đề đó có quá riêng tư hay tế nhị? Mình không biết nói chuyện thế nào cho đủ “MẶN”?!
Lý Do Vì Sao Bạn Nói Chuyện Nhạt
Number 1: Bạn có hoặc rất ít trải nghiệm xã hội
Trường hợp của Toàn là một ví dụ vô cùng rõ ràng cho vấn đề này. Mặc dù đã ngoài 20 tuổi nhưng cuộc sống của anh chàng chỉ xoay quanh sách vở, kiến thức và trường lớp. Không thầy cô nào dạy cho bạn cách để nói chuyện với người khác. Cái mà bạn học được ở trường chỉ là kiến thức khoa học và xã hội mà những thứ đó thực sự không có gì để có thể lôi ra mà nói trong buổi hẹn đầu tiên cả.
Chính vì việc bạn ít tiếp xúc với xã hội, ít giao tiếp với những người khác khiến cho khả năng giao tiếp của bạn bị hạn chế hoặc không thể phát triển được.
Number 2: Bạn chìm đắm trong thế giới ảo
Gần đây, mình có xem 1 cái video phỏng vấn game thủ Việt Nam được đi thi đấu ở một giải đấu quốc tế. Mình nhận thấy một vấn đề rất đáng báo động đó chính là việc các bạn game thủ có thể nói chuyện một cách cực kỳ thoải mái khi ngồi trước máy tính và nhập tâm vào nhân vật của mình. Nhưng…khi họ tiến hành phỏng vấn với phóng viên, thì những phản ứng này giống như bị “delay”. Những anh chàng bùng nổ, mạnh mẽ trở nên lúng túng, nhút nhát và nhỏ nhẹ đến mức bất ngờ. Thậm chí khi MC nêu câu hỏi rất chậm rãi và từ tốn nhưng họ vẫn phải hỏi lại vài lần vì nghe không rõ hoặc chưa hiểu câu hỏi là gì???
Mình cũng từng có 1 cậu bạn học lập trình máy tính. Sau khi ra trường cậu ấy về làm hẳn cho công ty gia đình. 27 năm chỉ biết sách vở và màn hình vi tính. Đến một ngày gần đây cậu ấy tìm tới tôi và nói rằng, tao bị thất tình.
Hỏi ra mới biết là anh chàng crush một cô gái nhưng không có dũng khí tỏ tình và cuối cùng cô ấy có người yêu trước khi kịp đợi lời tỏ tình từ cậu. Nguyên nhân đưa ra là “Tao không biết nói gì khi gặp cô ấy.”; “Tao không dám nói chuyện điện thoại với cô ấy, vì lúc đó ngoài cười ra tao không biết phải làm gì”; “Tao không chắc cô ấy có thích tao hay không?”… Vân vân và vân vân. Và sau vài cái vân vân bạn của tôi trở thành kẻ thất tình đau khổ vì chính bản thân cậu ta không biết phải “đối phó” ra sao với một cô gái nhỏ.
“Anh hùng bàn phím” có lẽ là khái niệm không còn xa lạ ở thời đại chúng ta. Lên mạng xã hội bạn có thể bắt gặp hàng chục người nói chuyện rất bắt tai, đăng những stt đậm chất diễm tình hay bàn luận nhiều vấn đề một cách sắc sảo và đầy thuyết phục. Tuy nhiên, một phần lớn những người này họ lại không thực sự giỏi trong giao tiếp xã hội, nhiều người bên ngoài còn vô cùng nhút nhát và ít nói. Phải chăng thế giới ảo mới chính là cuộc sống của họ.
Xem thêm >>> Tư Vấn Tâm Lý Tại Gia
Number 3: Bạn quá sách vở
Trước đây, tôi có vài người bạn rất yêu sách thậm chí là cuồng sách. Họ có thể đọc sách mỗi ngày, ở mọi nơi mà họ có thể ngồi xuống hoặc rảnh tay. Có người thích đọc ngôn tình, có người lại thích đọc sách khoa học, làm giàu và có bạn lại ưa sách dạy làm người…
Kết quả thu về là tôi có vài người bạn thông thái, hiểu biết và rất đáng ngưỡng mộ. Tuy nhiên, không ít trong đó trở thành một phiên bản lỗi từ một cuốn sách nào đó hoặc một môn khoa học nào đó mà họ cho là đúng đắn.
Có anh chàng nọ, yêu thích sách về thuật thu phục nhân tâm và sách dạy làm người. Mỗi lần gặp anh chàng này tôi giống như bị rơi vào một đống hổ lốn của những ngôn ngữ được bê nguyên từ sách mà ra. kể cả cái cách mà anh ta giới thiệt về tôi trước những người bạn khác cũng làm tôi cảm thấy thực sự hổ thẹn. (ví dụ nhé: Chào mọi người. Đây là bạn Trần Thị Thanh Bình, năm nay 26 tuổi, học trường KHXH&NV, khoa Tâm Lý, đã tốt nghiệp năm 2014 và hiện nay làm việc tại ThanhBinhPsy….).
Một người bạn khác của tôi lại rất có khả năng về logic. Cậu ta thích viết lách và những thứ mà cậu ta viết ra thì tôi đảm bảo kể cả những người yêu văn phong khoa học cũng phải thán phục. Phân tích vô cùng sắc bén và có lập luận rõ ràng. Nhưng việc viết và nói của cậu ta lại không giống nhau.
Cậu ta có thể viết hay đấy, logic đấy nhưng khi nói cậu ta gặp nhiều lỗi về cách dùng từ (dùng ngôn ngữ khoa học cho đời sống) và cả tư duy của bản thân cậu ta vào từng câu chuyện. Mọi thứ trong cuộc sống của cậu ta đều được giải thích dựa trên khoa học và lập luận logic.
Tôi không biết cậu ta có tự thấy nhàm chán với bản thân hay không nhưng hẳn những người xung quanh cậu ta sẽ ít nhiều phải chịu đựng điều này. Trong đó chắc có cả phần của tôi :v
Làm Sao Để Cải Thiện Khả Năng Nói Chuyện
Nói chuyện là một trong những kỹ năng cơ bản và quan trọng bậc nhất của con người. Việc nói chuyện sẽ khiến cho bạn trở nên hấp dẫn hoặc thiếu hấp dẫn trong công việc, cuộc sống và cả tình cảm. Vì vậy, đừng bỏ qua vài tips nhỏ sau đây để bản thân có thể cải thiện lại tình trạng này nếu bạn đang gặp khó khăn với nó nhé:
Bắt đầu bằng những câu hỏi đơn giản
Để bắt đầu, tôi muốn nhấn mạnh một điều rằng nói chuyện là một điều hết sức bình thường trong cuộc sống. Vì vậy, bạn không cần phải cảm thấy áp lực vì nó. Hãy để bản thân ở trạng thái thoải mái nhất và luôn mang tâm thế sẵn sàng trò chuyện với người khác dù cho đó là người lạ.
Nếu bạn gặp một người mới quen hãy bắt đầu với cô ấy hoặc anh ấy bằng những câu hỏi đơn giản như:
- “Bạn tới lâu chưa? Đi đường có mệt không”
- “Nhà bạn ở đâu?”
- “Gia đình bạn có mấy người” “mấy trai mấy gái”
- “Ba mẹ bạn làm nghề gì”..
- “Sở thích của bạn?” hoặc “hỏi về món đồ uống mà người đó đã chọn ví dụ “bạn có vẻ thích cà phê đen nhỉ?”
- “Bạn có thích đọc sách/xem phim/chơi thể thao/ đi chơi.. không?
Từ những dữ liệu mà đối phương cung cấp bạn có thể hỏi thêm 1000 câu hỏi vì sao? mà cuộc nói chuyện của bạn sẽ không bao giờ nhàm chán.
Mình có cô bạn khá là khó tính, một ngày nọ cô ấy quen một anh chàng trên Instagam và quyết định gặp mặt. Sau màn mở đầu với những câu hỏi đơn giản như thế họ bắt đầu nói về chủ đề phim kinh dị. Kết quả là cuộc gặp đó kéo dài những 4 tiếng đồng hồ và khi về đến nhà những gì mà tôi nghe được chỉ là:
“chúng tao cực kỳ hợp”
Tôi hỏi là “sao mày dám chắc”
“Riêng sở thích đã giống nhau rồi. Tao và anh ấy có thể nói tới ngày mai cũng vẫn được”.
Và kết thúc câu chuyện là bạn tôi ngày nào cũng “nướng” điện thoại với anh chàng kia với những câu chuyện kinh dị và tình yêu của họ cũng đơn giản vì đó mà bừng nở.
Hãy tâp trung vào những gì mà đối phương thích
Nếu bạn crush ai đó, hẳn bạn sẽ ít nhiều biết được họ thích gì. Vậy thì đừng sao nhãng vấn đề sang những thứ khác. Hãy thử tấn công họ với những gì họ thích. Cam đoan với bạn rằng họ có thể nói cho bạn nghe suốt buổi nhưng vẫn sẽ luôn khen ngợi bạn là một người thú vị.
Lưu ý lớn nhất khi thực hiện theo cách này đó chính là thái độ của bạn. Bạn sẽ phải thực sự lắng nghe một cách háo hức hoặc ít nhất là chân thành về câu chuyện của họ. Đừng thể hiện sự chán nản, khó chịu hay lơ đễnh khi nghe, vì như vậy bạn sẽ mất điểm tuyệt đối.
Đọc nhiều sách, xem nhiều phim
Đọc sách và xem phim luôn là một trong những thói quen tốt nếu bạn muốn rèn luyện khả năng nói và viết của bản thân. Một bằng chứng rõ ràng cho việc đọc nhiều sách và xem nhiều phim đó chính là khả năng ăn nói của bạn được cải thiện, vốn từ ngữ của bạn trở nên phong phú hơn, đa dạng hơn, cách nói chuyện cũng theo đó đa dạng hơn.
Ví dụ như tôi, tôi vừa thích ngôn tình lại càng thích thể loại hành động. Có đôi lúc tôi sẽ nói chuyện nhẹ nhàng và dịu dàng đúng kiểu “cô gái ngôn tình” nhưng đôi lúc tôi lại đanh thép hay cứng rắn như “chị đại mafia” vậy. Việc đọc sách và xem phim cho tôi những trải nghiệm mà để từ đó tôi biết rằng bản thân nên nói như thế nào trong hoàn cảnh nào và ứng dụng chúng nhuần nhuyễn trong cuộc sống của mình.
Tôi luôn tự hào nói với bạn bè của mình rằng: “nếu ai đã nói chuyện với tôi thì sẽ nói đến tết Congo vì họ sẽ không bao giờ chán tôi cả!”
Điều này cũng có thể cho là một cái “tự hão” của tôi. Nhưng ít nhất tôi tự tin vào bản thân mình. Nếu bạn tự tin, thì câu chuyện của bạn sẽ trở nên có sức sống và thuyết phục hơn. Đừng vác bộ mặt ảo não hay cười như được lập trình sẵn khi đi gặp ai đó. Vì đó, là lỗi sai lớn nhất khiến bạn “ra đi” từ trước vòng gửi xe.
Một số mẹo nhỏ trong giao tiếp
Nếu bạn đang là người đi chinh phục, dù đó là giáo viên của bạn, đứa bạn thân của bạn, ba mẹ bạn, sếp của bạn hay người nào đó mà bạn để ý thì một số mẹo nhỏ dưới đây sẽ có thể giúp ích cho bạn trở nên hấp dẫn hơn trong mắt người khác:
- Hãy luôn nở nụ cười trước khi bắt đầu một câu chuyện
Trong một cuộc phỏng vấn xin việc tại một công ty truyền thông. Giám đốc nhân sự nói với tôi rằng có đến 50 ứng viên trong buổi phỏng vấn hôm nay, đa số họ đều có thành tích tốt và vượt qua các vòng ngoài một cách khó khăn để vào tới vòng cuối. Tuy nhiên, chỉ có chưa đến 5 người nở nụ cười khi được phỏng vấn, số còn lại họ căng cứng các cơ mặt hoặc tỏ ra vô cùng lạnh lùng. Nói đến đây hẳn bạn biết rõ ai là người được nhận rồi chứ. Đôi khi sự việc chỉ đơn giản được giải quyết bằng “một nụ cười” thôi nhé.
- Hãy tắt điện thoại cho vào giỏ và lắng nghe câu chuyện của người đối diện một cách chăm chú và dụng tâm
Một trong những phép lịch sự cơ bản nhất trong một cuộc trò chuyện đó chính là sự tương tác của 2 người. Nếu bạn không lắng nghe chứng tỏ bạn không quan tâm đến người khác và bạn đang khiếm nhã đối với họ.
- Hãy đảm bảo rằng bạn không quên điều gì khi nhắc lại điều mà người đối diện đã từng nói qua
Một trong những sai lầm của chúng ta khi nói chuyện chính là quên mất điều mà người đối diện đã nói. Ví dụ: tôi từng gặp một anh chàng rất dễ thương. Mọi ấn tượng của tôi với anh ta đều tốt ngoại trừ việc anh ta nói sai công việc của tôi đến vài lần trong khi tôi đã giới thiệu từ trước. Và sau đó chắc chắn bạn biết rằng sẽ không có sau đó.
Xem thêm >>> Tư Vấn Tâm Lý Trực Tuyến
- Sử dụng lại một số câu nói quen thuộc của người đối diện trong cuộc nói chuyện một cách tự nhiên nhất
Ví dụ nhé: Thầy dạy môn tâm lý lâm sàng của tôi thường xuyên sử dụng câu nói “nói chung là” và ‘đâm ra là”. Trong các cuộc nói chuyện với thầy khi tôi sử dụng lại 2 câu nói này thì thái độ của thầy có vẻ thích thú hơn hẳn. Đây là một phản ứng hết sức tự nhiên của con người (người ta thường thích những thứ mà người ta hay nói) mà chính chúng ta cũng không biết được. Thử áp dụng nó và nói cho tôi biết xem nó có hiệu quả không nhé.
- Hãy dừng câu chuyện đúng lúc
Hãy dừng câu chuyện của bạn lại ngay lập tức nếu người đối diện tự nhiên cầm điện thoại, cho tay vào túi quần, nhìn lơ đãng và tỏ ra thờ ơ. Khi một người ở trong trạng thái này thì mọi điều bạn nói họ đều không cho vào lỗ nhĩ. Vì vậy, để tránh cho sự nhàm chán đi xa thì tốt nhất hãy dừng ngay câu chuyện đó lại và bắt đầu một câu chuyện khác.