Theo thạc sĩ tâm lý Võ Minh Thành, giảng viên khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, overthinking là biểu hiện của hội chứng rối loạn lo âu. Người bệnh thường có cảm giác lo lắng quá mức đối với một tình huống hoặc sự việc, thậm chí là lo lắng rất vô lý. Tình trạng này kéo dài có thể gây suy giảm trí nhớ, trầm cảm và tự kỷ.
Khi đối mặt với nhiều vấn đề trong cuộc sống, người trẻ thường mắc phải “căn bệnh” overthinking
NGỌC SƠN
“Biết tự làm khổ bản thân nhưng không thể thoát ra”
Mọi vấn đề lớn, nhỏ qua cách nhìn của người mắc “bệnh” overthinking đều trở nên nghiêm trọng. Thường hay lo lắng thái quá về kết quả học tập, định hướng tương lai và các mối quan hệ xung quanh, Nguyễn Như Quỳnh (21 tuổi) ngụ tại số 8, đường số 9, Khu phố 4, P.Bình Chiểu, TP.Thủ Đức (TP.HCM), cho biết bản thân thường xuyên bị cuốn vào trạng thái tiêu cực.
“Suy nghĩ này kéo theo suy nghĩ khác, lẩn quẩn trong đầu khiến mình mất tập trung. Lo lắng quá nhiều cho những chuyện chưa xảy ra làm mình mất đi sự tận hưởng ở hiện tại. Hơn nữa, việc mình tự suy diễn những điều không có thật cũng khiến cho bạn bè xung quanh cảm thấy không thoải mái. Mình biết đây là một hình thức tự làm khổ bản thân, trói buộc mình trong những suy nghĩ do chính mình mổ xẻ, áp đặt nhưng chẳng thể thoát ra được”, Như Quỳnh chia sẻ.
Từng rất vui vẻ, yêu đời nhưng đột nhiên rơi vào trầm cảm và bảo lưu kết quả học tập do suy nghĩ quá mức. Lê Thị Thu Phương, sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM kể: “Áp lực học hành, áp lực bạn bè đồng trang lứa khiến mình thường xuyên phải suy nghĩ và mất ngủ thời gian dài. Những suy nghĩ và lo lắng thái quá ở cái tuổi lưng chừng trưởng thành khiến mình không thể nào thoát khỏi trạng thái tiêu cực”.
Phải tìm đến các liệu pháp điều trị tâm lý vì cả ngày chỉ đắm chìm trong những suy nghĩ tiêu cực đến mất ăn, mất ngủ, tinh thần không tỉnh táo, Bùi Thị Thanh Mai (16 tuổi), học sinh Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc (tỉnh Vĩnh Phúc) trải lòng: “Thật đáng sợ khi sáng dậy mở mắt là tưởng tượng ra hàng loạt điều tồi tệ sắp xảy ra, đêm về thì nước mắt ngắn, dài nghĩ về quá khứ xong tự dằn vặt bản thân. Biết là không tốt nhưng không thể ngừng suy nghĩ”.
Overthinking khiến “người bệnh” lo lắng thái quá và tự suy diễn mọi chuyện: “Đi thang máy thì lo thang máy rơi, ngồi đằng sau xe máy thì sợ bị cuốn chân hoặc váy vào bánh xe, hay suy nghĩ nhiều bởi lời nói của người khác theo hướng tiêu cực”… Đó là ảnh hưởng của “bệnh” overthinking đến với chị Đặng Thị Hải Yến (29 tuổi), làm nhân viên văn phòng ở tòa nhà CTM Complex 139 Q. Cầu Giấy (Hà Nội).
Những người bị overthinking họ ý thức được “căn bệnh” này đang khiến cuộc sống trở nên tồi tệ hơn nhưng không biết cách nào để thoát ra.
“Liều thuốc” nào để thoát khỏi overthinking?
Thạc sĩ tâm lý Võ Minh Thành cho biết nếu “căn bệnh” này kéo dài, lặp lại nhiều lần có thể dẫn đến trầm cảm, làm giảm chất lượng cuộc sống, gây ra những hệ quả nghiêm trọng.
Thạc sĩ tâm lý Võ Minh Thành, giảng viên khoa Tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM
NVCC
“Overthinking là biểu hiện của rối loạn lo âu, vì vậy, bệnh này có thể đi kèm với những vấn đề sức khỏe tâm thần khác, làm cho chẩn đoán và điều trị phức tạp hơn. Một số rối loạn thường đi kèm với rối loạn lo âu tổng quát bao gồm: Rối loạn hoảng sợ, trầm cảm, lạm dụng thuốc, rối loạn stress sau chấn thương”, thạc sĩ Thành cho biết.
Để thoát khỏi “bệnh” này, thạc sĩ Thành đưa ra lời khuyên: “Điều quan trọng là phải học cách thích nghi với cuộc sống hiện tại. Cân bằng các mục tiêu trong từng giai đoạn của cuộc đời. Chấp nhận những khó khăn, thử thách, rèn luyện tư duy tích cực: quan sát đa chiều, đặt mình vào nhiều vị trí khác nhau để nhận định chính xác về bản thân. Nếu cảm thấy nghiêm trọng thì cần có sự hỗ trợ của liệu pháp tâm lý từ các chuyên gia tâm lý”.
Ngoài ra, thạc sĩ Thành cũng cho biết thêm, mỗi ngày nên dành thời gian cho bản thân để thư giãn, tập thể dục (đi bộ, chạy bộ, bơi lội, yoga…). Hoạt động thể dục rất cần thiết và hiệu quả đối với những người bị overthinking. Nên chăm sóc giấc ngủ, tránh các thức uống có caffein, hoặc chất kích thích, tập luyện hít thở sâu…