Sách, “tập hợp một số lượng nhất định những tờ giấy có chữ in, ghi lại những thông tin, tri thức… thuộc một lĩnh vực nào đó và được đóng lại thành quyển”. Sách ra đời từ khi con người phát minh ra công nghệ làm giấy và sau đó là công nghệ in. Không cần nói thì chúng ta ai cũng đều ý thức rất rõ về vai trò, tầm quan trọng và giá trị to lớn của sách vở đối với cuộc sống con người. V. I. Lênin từng nói: “Không có sách thì không có tri thức. Không có tri thức thì không có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”. Trong thời đại thông tin với sự cổ xuý mạnh mẽ cho văn hoá đọc hiện nay, sách đang trở thành một sản phẩm có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của nhân loại. Năm 1995, Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hoá của Liên hiệp quốc (UNESCO) đã quyết định lấy ngày 23-4 hàng năm là Ngày thế giới về sách và bản quyền. Thật khó tưởng tượng là cuộc sống của con người chúng ta sẽ như thế nào nếu không có sách.
Sách nói chung thì như vậy. Nhưng sách đen, sách trắng, sách đỏ lại là ba từ chỉ ba loại văn bản cụ thể. Cùng là sách, nhưng chúng được gắn với một định ngữ tính từ chỉ màu sắc khá quen thuộc: đen, trắng và đỏ. Nghĩa đen của ba từ cũng rất rõ. Và cũng từ ba sự phân biệt màu như vậy, người ta đã chọn làm biểu trưng cho đặc thù ba loại sách khác nhau.
Sách đen (đen với hàm nghĩa tiêu cực, xấu) là sách do chính phủ hay bộ ngoại giao của một quốc gia nào đó công bố rộng rãi nhằm tố cáo trước dư luận quốc tế về những hành động mờ ám hay được coi là tội ác của một tổ chức, thế lực hoặc của một nước khác. Chẳng hạn, Chính phủ Campuchia gần đây từng nhiều lần công bố sách đen về tội ác diệt chủng của chế độ Khơ me Đỏ dưới chế độ Pôn Pốt tàn bạo.
Sách trắng (trắng với hàm nghĩa làm cho rõ, nói trắng ra) cũng là sách của chính phủ hay bộ ngoại giao của một quốc gia nào đó công bố rộng rãi, nhằm trình bày trước dư luận quốc tế một cách có hệ thống, có dẫn chứng cụ thể về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hoá đang được dư luận quan tâm. Chẳng hạn, năm 2005, Bộ Ngoại giao nước ta đã tổ chức họp báo công bố Sách trắng về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam. Xuất phát từ thực tế là trong thời gian qua, có một số nước, một số tổ chức nước ngoài có thái độ nhìn nhận, đánh giá chưa đúng mức về chủ đề quyền con người ở nước ta. Cuốn sách đưa ra nhiều quan điểm, nhiều luận chứng và luận cứ nhằm bác bỏ sự xuyên tạc của một số chính phủ phương Tây về vấn đề này.
Còn sách đỏ (đỏ với hàm nghĩa “báo động đỏ”), là sách thống kê một danh sách động vật, thực vật hoặc những giá trị vật chất, tinh thần quý hiếm, rất cần được bảo vệ để ngăn ngừa nguy cơ bị tuyệt diệt. Ta thấy rất nhiều nước, nhiều tổ chức bảo vệ môi trường quốc tế cho công bố những cuốn sách đỏ theo chu kì hàng năm. ở nước ta, có khá nhiều động thực vật như sao la, voọc, tê giác một sừng, thú vật hoang dã, các loài cây hiếm lạ… được các tổ chức của Nhà nước đưa vào sách đỏ và có kế hoạch gìn giữ, bảo vệ. Ngoài ra, không chỉ những động thực vật quý hiếm mà còn các giá trị tinh thần khác của con người (như tác phẩm truyền khẩu, âm nhạc, lối sống, thuần phong mĩ tục,…) cũng được UNESCO đưa vào danh mục văn hoá phi vật thể cần bảo tồn và phát triển.
Xét từ góc độ thuật ngữ xuất bản, các tính từ đen, trắng, đỏ (trong sách đen, sách trắng, sách đỏ) chỉ có tính chất ước lệ, nên khi xuất bản, không có nghĩa là màu trên bìa hay ruột sách phải thể hiện tương ứng. Tính chất của vấn đề mới là yếu tố quyết định. Tuy vậy, cũng đôi khi ta thấy, các cuốn sách đen được thể hiện trên nền bìa đen, sách trắng trên nền bìa trắng. Riêng sách đỏ, người ta có thể in chữ đỏ, nền đỏ tuỳ trường hợp. Có cuốn sách đỏ còn in thêm chữ tắt SOS với ngụ ý là “Nguy hiểm: tình hình đã tới mức nguy cấp, đáng báo động”, rất cần sự quan tâm cần thiết của tất cả mọi người.
Lê Thị Hợp (st)