Đối với người hâm mộ Kpop, câu hỏi “Làm thế nào để được làm việc trong công ty giải trí của thần tượng”, “Làm thế nào để ứng tuyển thành công vào một vị trí theo sát idol 24/24, được cùng nghệ sĩ vi vu khắp đó đây?” luôn là câu hỏi để ngỏ. Đó cũng là ước mơ, giấc mộng của biết bao fan Kpop.
Tuy nhiên mới đây, cộng đồng fan Hàn đang xôn xao bởi lời chia sẻ của một nhân viên làm trong ngành giải trí. Hiện thực về một cuộc sống màu hồng “24/7 đều là idol”, những góc khuất tiêu cực nhất của nghề “đáng mơ ước” – nhân viên hỗ trợ bên idol – trong mắt người hâm mộ, tất cả đều được chỉ điểm một cách trần trụi, rõ nét.
Cày ngày cày đêm kể cả trong kì nghỉ lễ
Theo các nhân viên, vì hoạt động kinh doanh giải trí luôn diễn ra 24/7 nên hầu hết họ đều phải làm việc trong tình trạng không có ngày nghỉ. Kể cả đó có là cuối tuần hay ngày nghỉ lễ thì công việc “để mắt tới nghệ sĩ” vẫn luôn là gánh nặng và áp lực đè lên vai họ. Ngoài ra, có rất nhiều nhân viên có nhiệm vụ chuyên trách như tham dự fanmeeting, chương trình âm nhạc hàng tuần, các buổi concert,… cùng thần tượng. Công việc này sẽ chiếm hầu hết thời gian ngủ nghỉ vào mỗi tối, các ngày cuối tuần của họ, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, về lâu về dài sẽ sinh bệnh tật, sức khỏe giảm sút.
Áp lực mọi lúc – mọi nơi – mọi phía
Ở trong thời đại mà mọi thứ đều được “internet hóa” như hiện nay và người hâm mộ thì luôn nhạy cảm trong mọi vấn đề liên quan đến thần tượng thì từng đường link chia sẻ, từng lời bình luận, thông cáo, hay đơn giản là một bức ảnh được đăng trên Twitter với chú thích chúc mừng sinh nhật, tất cả đều cần được chăm chút và để ý từ nội dung đến hình thức.
Việc luôn phải làm việc trong tình trạng “không được phép sai sót” 365 ngày như 1 khiến bất kì ai cũng có thể đổ gục bất cứ lúc nào. Nhiều người trong số họ vì thế mà mắc bệnh về tâm lý vô cùng nặng. Nhân viên trong bài viết chia sẻ: “Nghe có vẻ dễ dàng nhưng đó thực chất lại là công việc đòi hỏi sự tỉ mẩn và cầu toàn nhất. Áp lực là không thể tưởng tượng được. Đây cũng chính là nguyên do mà rất ít người muốn đảm nhiệm vị trí chăm sóc mạng xã hội của nghệ sĩ. Nói trắng ra thì chẳng biết chuyện tồi tệ gì có thể xảy ra ở đó cả”.
Bị ghét bỏ không lý do
Một cư dân mạng chia sẻ về câu chuyện của người bạn mình khi làm việc tại công ty giải trí truyền thông: “Bạn tôi là nhân viên của một công ty giải trí. Trong thời gian cộng tác, người hâm mộ bằng cách nào đó đã tìm được tên của người bạn tôi, từ thời điểm đó trở đi cô ấy trở thành gương mặt bị ghét bỏ quen thuộc. Họ đổ lỗi cho cô khi có tình huống tồi tệ xảy ra, mặc dù người bạn tôi hoàn toàn không liên quan gì đến bộ phận gây ra sự cố đó.
Bây giờ chỉ cần tìm kiếm tên cô ấy, kết quả sẽ bao gồm những tin nhắn chửi rủa và mạt sát từ người hâm mộ. Cuối cùng người bạn này đã xin từ chức khi căn bệnh rối loạn lo âu ngày càng nghiêm trọng”. Lời chia sẻ hay chăng chính là thực tế phũ phàng mà những người làm nghề truyền thông phải đối diện mỗi ngày.
Làm việc nhưng không được ai công nhận
Những người trong ngành tiết lộ, điều khiến họ nản lòng và mệt mỏi nhất trong công việc đến từ sự “không công nhận”. Họ thường làm những điều mà ít ai biết tới. Một cựu nhân viên cho biết: “Lấy ví dụ là khi nghệ sĩ gây ra vụ tranh cãi nào đó đi. Họ tuyệt đối không phải người duy nhất cần xin lỗi. Tôi nữa, chính là tôi này. Nghệ sĩ họ vẫn vậy thôi, tiếp tục cuộc sống của mình, nghỉ ngơi một chút cho đến khi mọi chuyện lắng xuống, còn tôi thì khác, tôi liên tục phải dán mắt vào màn hình máy tính và lo cách ứng phó với cuộc khủng hoảng có thể nổ ra bất kì khi nào. Liệu tôi có được cảm ơn vì đã kiểm soát mớ bòng bong đó không? Không hề. Tôi có được trả tiền để làm việc đó không? Chắc chắn không. Đây là một phần của công việc, dù trên thực tế tôi chẳng hề đặt bút kí hợp đồng cho những điều khoản phải làm thế này”.
Lương thấp, chế độ nghèo nàn
Cuối cùng các nhân viên đều nhận xét rằng, so với những gì khó khăn trong quá trình làm việc họ phải trải qua thì mức lương ở các công ty giải trí đều quá mức bèo bọt. Những người làm việc có thâm niên tiết lộ, họ không hề nhận được đồng lương nào khi làm quá thời gian, các ngày nghỉ lễ thì càng không. “Tất cả đều như một trò đùa vậy”, các cựu nhân viên khẳng định.
Nguồn: KB