ỨNG DỤNG CNTT TRONG DẠY HỌC
KẾT HỢP PHẦN MỀM ANATOMY VỀ GIẢI PHẪU CƠ THỂ NGƯỜI TRONG GIỜ HỌC MÔN SINH HỌC
Anatomy là ứng dụng học giải phẫu trong quá trình giảng dạy và học tập khi cung cấp tất cả thông tin về giải phẫu cơ thể người, kèm theo hình minh họa và đa dạng các mô hình 3D sống động như: Xương, dây chằng, khớp, cơ bắp, mạch máu, hệ thần kinh, hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, sinh sản,..
Anatomy có thể tạo ra các mô hình chuyển động mà sách vở không làm được, có thể tạo ra các hình ảnh 3D mà không một loại tài liệu giấy nào có thể vẽ chi tiết bằng. Chúng ta có thể dùng 2 ngón tay xoay 360 độ, phóng to/thu nhỏ để xem kỹ hơn từng bộ phận. Ứng dụng này được thiết kế rất chu đáo và chi tiết, các bộ phận được biểu diễn rất công phu, tỉ mỉ đến từng chi tiết nhỏ và có tính thẩm mỹ cao.
Với Chương trình cấp THCS, phần mềm Anatomy là có thể tích hợp giữa 2 môn Sinh học – Tin học 8 giúp người học quan sát được các bộ phận cơ thể một cách trực quan, sinh động, gồm 8 hệ cơ quan lớn trong cơ thể con người: hệ bài tiết, hệ tiêu hóa, hệ tuần hoàn, hệ thần kinh, hệ sinh dục, hệ bạch huyết, hệ hô hấp và hệ hoocmôn, với hệ thống hơn 700 xương và hơn 400 cơ.
Kết hợp kiến thức bộ môn Tin học và nội dung bài học môn Sinh học trong khối lớp 8, cô giáo Vũ Thị Hồng (GV bộ môn Tin học) và cô giáo Phạm Thị Lan (GV bộ môn Sinh học) đã thực hiện chuyên đề “Biện pháp hỗ trợ học môn sinh học bằng phần mềm giái phẫu cơ thể người Anatomy” nhằm mục đích giúp học sinh quan sát các hệ trong cơ thể một cách trực quan hơn, hỗ trợ tốt cho môn Sinh học. Thông qua phần mềm, học sinh biết và có thể tra cứu hình ảnh, thông tin và nhiều kiến thức khác hỗ trợ cho việc học môn Sinh học 8; làm phong phú thêm PTDH, tích hợp nhiều môn học trong bài giảng của giáo viên; phát huy tính tích cực, chủ động trong việc tiếp thu kiến thức mới; giúp học sinh củng cố, khắc sâu kiến thức, đưa kiến thức mới vào hệ thống kiến thức.
Trong bài mở đầu Chương V môn Sinh học 8: “Tiêu hóa và các cơ quan tiêu hóa”, bằng những hình ảnh 3D và video sống động cô giáo Phạm Thị Lan đã hướng dẫn học sinh quan sát, tổng hợp để tiếp nhận kiến thức mới, trình bày được khái niệm, vai trò của tiêu hóa; nêu được đặc điểm các giai đoạn của quá trình tiêu hóa; nêu được các cơ quan trong hệ tiêu hóa và vai trò của chúng. Từ đó giúp học sinh liên hệ, ý thức việc bảo vệ bản thân, ăn uống nghỉ ngơi lành mạnh, hợp lí.
Ngoài việc tích hợp liên môn, việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy, cuối tiết học, cô giáo Phạm Thị Lan còn khéo léo liên hệ và gửi thông điệp nhẹ nhàng đến các em học sinh khi so sánh: việc học tập cũng giống như quá trình tiêu hóa của cơ thể, hãy biết cách “tiêu hóa” những gì tiếp nhận được từ cuộc sống để cùng với cơ thể khỏe mạnh mỗi người sẽ có trí tuệ hanh thông, hiểu biết sâu rộng và ý thức lành mạnh trong cuộc sống.
Bài học được tổ chức khoa học, chi tiết, nhẹ nhàng, tạo được hứng thú cho học sinh. Từ đó học sinh trong lớp tích cực tham gia các hoạt động học tập, hiểu bài nhanh, liên hệ tốt đến việc bảo vệ bản thân cũng như nhận thức về quá trình học tập của học sinh.
Thống Nhất, ngày 02 tháng 12 năm 2020