Đường cao tốc đã dần khẳng định được tính ưu việt trong lưu thông và mở rộng giao thương, liên kết các vùng miền. Vậy chính xác khái niệm đường cao tốc là gì và nguyên tắc khi đi đường cao tốc như thế nào để đảm bảo an toàn? Cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây nhé.
1. Khái niệm đường cao tốc là gì?
Khoản 12, Điều 3, Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định:
Đường cao tốc là đường dành cho xe cơ giới, có dải phân cách chia đường cho xe chạy hai chiều riêng biệt; không giao nhau cùng mức với một hoặc các đường khác; được bố trí đầy đủ trang thiết bị phục vụ, bảo đảm giao thông liên tục, an toàn, rút ngắn thời gian hành trình và chỉ cho xe ra, vào ở những điểm nhất định
2. Nguyên tắc tham gia giao thông trên đường cao tốc
Đi vào đường cao tốc có thể coi là một trong những bài học căng thẳng dành cho lái xe. Sẽ không có một cách nào cố định để bạn có thể áp dụng vì điều kiện đường cao tốc và những lái xe khác rất khó đoán. Chỉ có hiểu rõ luật giao thông và những phản xạ lái xe nhuần nhuyễn là cách tốt nhất để bạn có thể đi vào đường cao tốc một cách an toàn:
2.1 Khi vượt xe không giảm phanh đột ngột
Khi đang lưu thông trên đường cao tốc và bạn muốn vượt một chiếc xe ở phía trước. Sau khi bạn đã vượt qua chiếc xe này rồi thì không được đột ngột giảm ga hay đạp phanh vì rất có thể người điều khiển phía sau không hề giảm tốc độ. Nếu bạn giảm ga hay phanh lại sẽ khiến chiếc xe phía sau (xe bạn vừa vượt) rơi vào tình trạng bất ngờ và tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Chú ý tốc độ khi vượt xe trên đường cao tốc là bạn đang đảm bảo tính mạng cho bản thân và những người xung quanh.
2.2 Ở những khúc cua, nơi đông người cần giảm tốc độ
Không chỉ di chuyển trên đường cao tốc mà với đường quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện… bạn cũng cần phải giảm tốc độ ở những khúc cua hay nơi tập trung đông người.
Đường cao tốc cũng có những đoạn cua, chỗ đông xe như các trạm dừng. Khi đến những điểm nóng như thế này dù bạn đang đi ở làn cũng cần giảm tốc độ. Các góc cua thường là những góc khuất và việc điều khiển tay lái cũng khó khăn hơn. Để tránh những bất ngờ có thể xảy ra, hãy quan sát thật kỹ và luôn chuẩn bị tinh thần nếu có vấn đề xảy ra.
2.3 Đảm bảo tầm nhìn của xe
Khi di chuyển trên đường cao tốc các xe nối nhau một cách có trật tự hơn so với việc di chuyển trong đường đô thị. Vì vậy hãy tối ưu hóa tầm nhìn của xe bằng cách điều chỉnh gương chiếu hậu bên ngoài xe như sau:
- Khi nhìn sang bên trái hoặc bên phải thì thân xe chỉ chiếm khoảng ⅕ phía trong của mặt gương.
- Khi bạn ngồi thẳng gần như không có chi tiết nào trong xe được hiện lên trong gương.
Như vậy tất cả các điểm mù đều xuất hiện ở gương chiếu hậu bên ngoài. Ngoài việc mở rộng tầm quan sát thông qua kính xe, bạn cũng cần để ý cả những gì diễn ra trước mặt của xe phía trước, sẽ giúp ích thêm cho bạn rất nhiều đấy.
2.4 Không thay đổi làn đường một cách đột ngột
Các xe lưu thông trên đường cao tốc đều chạy với vận tốc khá cao. Do đó khi bạn đột ngột thay đổi làn đường sẽ khiến các xe phía sau của làn bên kia không bắt kịp tốc độ của bạn hay gây bất ngờ cho người điều khiển phía sau làm họ bị lạc tay lái gây ra những hậu quả không đáng có.
Lưu ý: Khi di chuyển trên đường cao tốc bạn chỉ được phép thay đổi làn đường tại những nơi có biển báo cho phép hoặc có vạch kẻ đường cho phép chuyển làn, khi chuyển làn phải bật xi nhan để các tài xế phía trước và phía sau biết. Đồng thời bạn phải quan sát tốc độ của xe chạy phía trước và phía sau để giữ một khoảng cách di chuyển an toàn rồi mới chuyển làn.
2.5 Không chạy bám đuôi, luôn giữ khoảng cách với các xe chạy cùng chiều
Chú ý khoảng cách giữa các xe là điều mà lái xe nào cũng cần phải nhớ khi di chuyển trên bất kỳ con đường nào. Tuy nhiên ở Việt Nam đây lại là lỗi thường gặp và hậu quả là rất nhiều tai nạn liên hoàn xảy ra.
Bộ Giao Thông Vận tải đã đưa ra những quy định cụ thể về khoảng cách an toàn giữa các xe. Bạn chỉ cần nhớ một quy tắc đơn giản là “trừ 30” tức là lấy vận tốc trừ đi 30 sẽ ra khoảng cách an toàn giữa các xe (tính bằng mét). Ví dụ: trong khu vực có tốc độ tối đa là 90km/h thì khoảng cách an toàn tối thiểu là 60m.
2.6 Tuân thủ quy định dừng đỗ
Trên đường cao tốc sẽ có những điểm dừng chân cho mọi người nghỉ ngơi hoặc khi xe có sự cố. Khi bạn muốn di chuyển vào điểm dừng cần định vị trước vị trí của nó và bật xi nhan rồi di chuyển dần dần vào làn gần với nơi dừng chân.
Khi rời chặng nghỉ bạn phải quan sát trước sau, bật tín hiệu xin nhập làn. Trường hợp cần dừng xe gấp bạn cần đưa xe ra khỏi phần đường xe chạy hoặc phải tìm cách báo hiệu cho các xe khác.
2.7 Không được di chuyển quá chậm
Đối với đường cao tốc, di chuyển quá chậm không phải là một cách làm an toàn. Tốc độ di chuyển trung bình trên đường cao tốc là khoảng 80km/h và nếu bạn di chuyển dưới mức này sẽ khiến các xe phía sau không nhận biết được, gây ra nhiều nguy hiểm.
2.8 Luôn giữ tinh thần tỉnh táo
Khi lái xe đường dài thì việc đau lưng, mệt mỏi dễ dẫn tới mất tỉnh táo. Tài xế cần tránh thực hiện những thao tác gây mất tập trung lái xe như: sử dụng điện thoại, chỉnh gương, tìm kiếm đồ đạc, chỉnh điều hòa… chỉ một vài sơ suất nhỏ có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường.
Hiểu đúng khái niệm đường cao tốc là gì và nắm bắt được những lưu ý cần thiết khi di chuyển trên cung đường này là một lợi thế rất lớn, giảm thiểu những rủi ro không cần thiết. Chúng tôi hy vọng rằng bài viết này sẽ giúp ích được phần nào đó cho bạn.
Để biết thêm nhiều thông tin hữu ích, bạn hãy theo dõi các bài viết tiếp theo của daylaixehanoi.vn hoặc liên hệ ngay với chúng tôi theo số Hotline để được giải đáp thắc mắc nha.
Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Thái Việt
- Hotline: 1900 0329
- Địa chỉ: 201 Nguyễn Ngọc Vũ, Q Cầu Giấy, Hà Nội
Tin tức khác:
>> Lùi xe, chạy xe ngược chiều trên đường cao tốc gây ra thiệt hại gì?
>> Nội dung và đáp án 600 câu hỏi thi lý thuyết lái xe B1.
>> Cách chống lại cơn buồn ngủ khi lái xe ô tô.