Guideline là gì? Vai trò guideline trong xây dựng thương hiệu

Xây dựng thương hiệu là nhiệm vụ rất quan trọng của mỗi doanh nghiệp nhưng đó không phải là một điều dễ dàng. Do đó, để thương hiệu được thành công, nhất quán trong tâm trí của khách hàng thì doanh nghiệp cần có một guideline. Bài viết này sẽ giải thích rõ guideline là gì và vai trò của nó trong xây dựng thương hiệu. Hãy đọc hết bài viết này ngay nhé!

I. Guideline là gì?

Guideline là một từ tiếng Anh, dịch sang tiếng Việt có nghĩa là sự hướng dẫn, nguyên tắc chỉ đạo. Đó là những thông tin được cung cấp để hướng dẫn, khuyên người khác làm theo một cách đúng đắn, đúng nguyên tắc. Nhờ làm theo guideline đó mà họ sẽ nhận được kết quả tốt hơn, đúng với yêu cầu đã đề ra.

Trong Marketing, guideline được hiểu là một bộ quy tắc giải thích và hướng dẫn cách hoạt động của thương hiệu. Guideline giúp các nhà quản lý và designer hiểu được đặc điểm đặc trưng của thương hiệu để tạo ra sự thống nhất thương hiệu trong các sản phẩm, ấn phẩm liên quan. Dựa vào guideline, họ có thể đưa ra những chiến lược, cách thiết kế hình ảnh bao bì, logo, website, đồng phục và các sản phẩm phục vụ các chiến dịch Marketing đúng chuẩn, phù hợp với thương hiệu. Một bộ guideline cơ bản sẽ gồm những hướng dẫn và quy định về việc sử dụng các yếu tố quảng bá thương hiệu trên các ấn phẩm truyền thông.

Ngoài ra, trong lĩnh vực y khoa, người ta cũng sử dụng thuật ngữ guideline như là hướng dẫn sử dụng đơn thuốc, hướng dẫn điều trị bệnh lý cho bệnh nhân. Sự hướng dẫn của các bác sĩ là rất quan trọng đối với các bệnh nhân trong quá trình điều trị bệnh. Do đó làm theo guideline của bác sĩ là điều rất quan trọng, không nên tự điều chỉnh đơn thuốc hay việc điều trị theo cách khác.

Tìm việc làm, tuyển dụng Marketing có thể bạn quan tâm:

– Chuyên viên PR truyền thông

– Nhân viên Trade Marketing

– Nhân viên Biên Tập Hình Ảnh Media

II. Vai trò guideline trong Marketing

1. Guideline xây dựng câu chuyện thương hiệu hoàn chỉnh

Vai trò đầu tiên của bộ guideline đó là cung cấp đầy đủ các thông tin cơ bản, tổng quát nhất về thương hiệu cho các bên liên quan. Khi xem qua các thông tin đó thì các nhà quản lý, nhân viên hay đối tác sẽ nhanh chóng nắm được câu chuyện thương hiệu của doanh nghiệp. Cụ thể hơn, đó là thông tin về bản chất thương hiệu, tức là điểm cốt lõi tạo nên sự độc đáo, khác biệt của doanh nghiệp. Thông tin thứ hai là về sứ mệnh thương hiệu, đó là những lời hứa về định hướng, thái độ, hành động, tầm nhìn của thương hiệu trong tương lai. Cuối cùng là thông tin về định vị thương hiệu, gồm thông tin về đối tượng khách hàng tiềm năng và khả năng đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

2. Guideline tạo nên tính thống nhất của thương hiệu

Để hình ảnh thương hiệu in sâu vào tâm trí của khách hàng thì tất cả các thông tin về thương hiệu tiếp cận đến khách hàng cần có sự nhất quán, chính xác theo định hướng ban đầu. Nhờ có guideline mà những bộ phận liên quan như thiết kế và Marketing sẽ tạo ra các sản phẩm đúng với bản chất thương hiệu, không bị đi quá xa theo sự sáng tạo của bản thân. Do đó, những hình ảnh và nội dung về thương hiệu mà khách hàng có thể tiếp cận được qua các phương tiện truyền thông sẽ có sự thống nhất, tạo được sự ấn tượng, dễ khiến khách hàng ghi nhớ.

3. Guideline giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian xây dựng

Khi đã xây dựng được bộ guideline chuẩn về thương hiệu thì doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được thời gian cho việc truyền tải định hướng, phương hướng xây dựng thương hiệu cho các nhân viên của mình. Đặc biệt là các nhân viên mới sẽ có thể tự tìm hiểu về thương hiệu của doanh nghiệp từ các thông tin trong guideline. Guideline thương hiệu đặc biệt giúp ích cho các designer không mất thời gian trong việc tìm kiếm các quy chuẩn về màu sắc, phong cách cho sản phẩm mà chỉ cần theo guideline. Điều đó cũng giúp designer không bị đi quá xa theo sự sáng tạo của mình mà sai với đặc trưng thương hiệu.

4. Guideline hỗ trợ doanh nghiệp định vị thương hiệu

Định vị thương hiệu sao cho vừa đúng tâm lý khách hàng mục tiêu, vừa làm nổi bật lên đặc trưng của sản phẩm, thương hiệu là một điều không dễ dàng. Vì vậy, sau khi đã tìm hiểu sâu về tâm lý, sở thích, hành vi của khách hàng thì doanh nghiệp cần phải dựa vào guideline thương hiệu. Nó sẽ giúp các Marketer có cơ sở để định vị thương hiệu một cách hoàn hảo, làm nổi bật hình ảnh và đặc trưng thương hiệu trong tâm trí khách hàng.

5. Guideline giúp tạo nên sự khác biệt so với đối thủ

Trong thị trường cạnh tranh gay gắt ngày nay, cùng một loại sản phẩm, dịch vụ có thể có rất nhiều thương hiệu khác nhau. Do đó, việc tạo nên sự khác biệt sẽ giúp doanh nghiệp của bạn tạo được lợi thế cạnh tranh, khách hàng sẽ nghĩ đến thương hiệu của bạn đầu tiên vì sự khác biệt đó. Guideline thương hiệu sẽ giúp bạn nhìn nhận lại những đặc điểm thương hiệu của doanh nghiệp và của các đối thủ cạnh tranh. Từ đó, dễ dàng hơn trong việc ra quyết định tạo ra đặc điểm khác biệt nào để có thể thu hút khách hàng mục tiêu hơn so với đối thủ cạnh tranh.

III. Cấu trúc cơ bản của guideline

Tổng quan doanh nghiệp: Giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của doanh nghiệp. Cung cấp thông tin về tầm nhìn sứ mệnh, định hướng trong những năm tiếp theo của doanh nghiệp. Cuối cùng là trình bày giá trị cốt lõi của doanh nghiệp đối với xã hội, khách hàng, nhân viên.

Cam kết kinh doanh: Những lời hứa, sự cam kết trong hoạt động kinh doanh, hợp tác đối với các đối tác, khách hàng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải làm đúng theo những cam kết đã đề ra đối với các đối tượng trên.

Câu định vị thương hiệu: Một câu mô tả ngắn, chính xác, đầy đủ ý nghĩa về đặc điểm đặc trưng của thương hiệu mà doanh nghiệp đã và đang xây dựng. Câu định vị cũng phải đề cập đến đối tượng mục tiêu mà doanh nghiệp đang hướng đến để phục vụ.

Cách sử dụng logo: Trình bày về vị trí đặt logo, các tiêu chuẩn sử dụng logo như kích thước, vị trí đặt logo, khoảng cách, màu sắc,… Nêu quy chuẩn sử dụng logo về loại biểu tượng và cấu trúc thiết kế logo.

Quy định về bảng màu: Hiển thị bảng màu chính, bảng màu phụ, màu sắc biểu tượng, phục vụ cho việc in ấn, thiết kế ấn phẩm truyền thông. Bên cạnh đó, cung cấp bảng phân tích màu sắc để lựa chọn màu sắc hài hòa, thích hợp trên các dạng màn hình khác nhau trên điện thoại, laptop, máy tính bảng, màn hình LED,…

Quy định về phông chữ: Hướng dẫn cách sử dụng phông chữ phù hợp với từng trường hợp, từng loại màn hình, ấn phẩm truyền thông khác nhau. Ví dụ như phông chữ hiển thị trên website, fanpage sẽ khác với phông chữ trên các biển quảng cáo, poster,…

Phong cách hình ảnh: Mô tả phong cách hình ảnh sử dụng cho toàn bộ bao bì sản phẩm hoặc các ấn phẩm truyền thông xuất bản, công bố ra bên ngoài. Ví dụ như phong cách hình ảnh tối giản, hiện đại, vintage, màu sắc,…

Quy chuẩn các ấn phẩm khác: Một số ấn phẩm khác được tạo ra trong quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng sẽ có những quy chuẩn riêng để đảm bảo đặc tính thương hiệu. Ví dụ như quy chuẩn cho cách thiết kế quà tặng, voucher, thẻ thành viên,…

IV. Những chú ý khi tạo guideline

Guideline phải có phong cách riêng: Có thể cấu trúc của guideline không cần phải khác so với các đối thủ, nhưng định hướng phát triển và nội dung guideline cần được xây dựng theo phong cách riêng. Dựa vào guideline khác biệt thì doanh nghiệp cũng sẽ tạo được sự khác biệt so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường.

Guideline phải truyền cảm hứng sáng tạo: Mục tiêu của guideline là truyền cảm hứng sáng tạo trong các sản phẩm thiết kế. Có nghĩa là những thông tin mà guideline cung cấp phải như sự gợi ý cho việc sáng tạo nhanh chóng và đúng hướng hơn. Guideline không nên quá đóng hộp, gò bó những người sáng tạo làm việc theo khuôn khổ cứng nhắc.

Guideline phải có sự đồng nhất: Khi guideline đã được xây dựng thì cần phải công bố một cách chính xác cho các bên liên quan. Tránh trường hợp “tam sao thất bản”, guideline có các phiên bản khác nhau sẽ làm cho các sản phẩm công bố không thống nhất với nhau. Trường hợp này sẽ khiến cho khách hàng cảm thấy bối rối, khó ghi nhớ các đặc điểm đặc trưng của thương hiệu.

V. Tìm hiểu việc vi phạm guideline

Có một vấn đề mà nhiều người thắc mắc, đó là việc sáng tạo có vi phạm guideline thương hiệu hay không? Câu trả lời là nếu sự sáng tạo được dựa trên đúng nền tảng mà thương hiệu xây dựng ban đầu thì nó không vi phạm guideline. Mặt khác, việc sáng tạo đột phá còn được ủng hộ phát huy để tạo ra những sản phẩm, ấn phẩm truyền thông độc đáo, dễ thu hút sự chú ý của khách hàng. Để làm được việc đó thì đòi hỏi nhà thiết kế phải đảm bảo cân đối giữa tính nhất quán của thương hiệu và cảm hứng sáng tạo dựa trên các nguyên tắc.

Tóm lại, guideline thương hiệu không phải được xây dựng để kìm hãm sự sáng tạo mà để nhà thiết kế đi đúng định hướng thương hiệu. Do đó, việc phát triển ý tưởng, thiết kế sản phẩm linh động sáng tạo là không vi phạm guideline, với điều kiện là không đi sai với định hướng thương hiệu.

Xem thêm:

– IMC là gì? Những lợi ích, khó khăn và 5 công cụ khi sử dụng IMC

– Insight là gì? Nguyên tắc và cách xác định Insight khách hàng

– Infographic là gì? Cách thiết kế Infographic kèm các mẫu đẹp, thu hút

Mong rằng sau khi đọc qua bài viết này bạn đã hiểu rõ hơn guideline là gì để áp dụng nó trong công việc của mình thật hiệu quả. Nếu thấy bài viết này bổ ích thì đừng quên chia sẻ cho nhiều người hơn và để lại bình luận bên dưới bạn nhé!

Nguồn tham khảo: https://en.wikipedia.org/wiki/Guideline