Hiệu ứng Barnum (Forer) và sự tin tưởng thái quá trong tâm lý

Dù có yệu thích chiêm tinh, bói toán, tử vi hay không, chắc chắn chúng ta đôi lần cũng đã thử làm các bài trắc nghiệm tính cách trên mạng, hay đọc những bài viết về chòm sao của bản thân, và gật gù sao bài viết “phán” chuẩn thế. Bạn hoàn toàn đồng ý với những nhận xét chung chung, mà không nhận ra bản thân đang bị chúng “thao túng”. Dạng tâm lý này được gọi là hiệu ứng Barnum, hay hiệu ứng Forer.

Thí nghiệm của Forer và hiệu ứng Barnum

Vào năm 1948, nhà tâm lý học Forer đã thực hiện một cuộc thí nghiệm bí mật với 39 sinh viên của mình. Ông đưa cho họ một bài kiểm tra tâm lý, và hứa sẽ trả đáp án chuẩn xác về tính cách cho từng người, dựa trên câu trả lời của họ. Các sinh viên hoàn toàn làm theo lời dặn dò của Forer và nộp lại kết quả cho ông sau đó. Đúng một tuần sau, Forer gửi cho mỗi sinh viên một bảng đánh giá chi tiết dựa trên bài kiểm tra.

hiệu ứng forer
Hiệu ứng Barnum diễn tả sự cả tin của con người khi tin tưởng rằng, có những thứ chỉ dành riêng cho bản thân, mà không hề kiểm tra tính xác thực của nó.

Ông nói với học trò rằng những đánh giá này đều dựa trên từng cá nhân cụ thể, và yêu cầu họ đánh giá và cho điểm xem chúng có phù hợp với tính cách, suy nghĩ, hành vi và những thói quen của họ hay không. Tất cả sinh viên sau khi đọc xong bài đánh giá đều có phản hồi khá tốt. Trung bình, họ đánh giá độ chính xác của nhận định là khoảng 4,3 điểm trên thang điểm từ 0 (rất kém) đến 5 (xuất sắc).

Đến lúc này, sự thật mới được tiết lộ. Forer không hề giao cho mọi người những đánh giá riêng biệt dựa trên bài kiểm tra tâm lý như ông từng nói, mà hoàn toàn giống hệt nhau. Bảng đánh giá chỉ bao gồm những nhận định mơ hồ, chung chung, và mang tính tích cực có thể đúng với tất cả mọi người mà ông tổng hợp từ một tạp chí chuyên về chiêm tinh. Mười nhận định mà nhà tâm lý học Forer đưa ra bao gồm:

  • Bạn rất muốn nhận được sự ngưỡng mộ và yêu thích từ những người xung quanh.
  • Bạn có xu hướng chỉ trích bản thân trong nhiều trường hợp.
  • Bạn có rất nhiều khả năng tiềm ẩn, nhưng chưa có cơ hội phát huy một cách hiệu quả nhất.
  • Bạn có một vài khuyết điểm trong tính cách, nhưng chúng không quá ảnh hưởng đến cuộc sống, và bạn có thể bù đắp bằng những thứ khác.
  • Bạn gặp một chút khó khăn trong chuyện điều chỉnh các vấn đề tình dục.
  • Bạn có xu hướng cảm thấy lo lắng và bất an, nhưng che đậy chúng bằng vẻ ngoài bình tĩnh và tự chủ tốt.
  • Bạn đôi khi lo lắng về quyết định của bản thân. Bạn tự hỏi liệu quyết định này có chính xác hay không? Liệu việc làm của bạn có đúng đắn không?
  • Bạn thích sự thay đổi, và không hài lòng khi ép mình vào khuôn sáo hay kỷ luật.
  • Bạn tự hào mình là một người có suy nghĩ độc lập, và không chấp nhận những ý kiến phản biện không có bằng chứng thuyết phục.
  • Bạn cho rằng việc phơi bày bản thân quá nhiều cho người khác thấy không phải là điều tốt
  • Có lúc bạn rất hướng ngoại, niềm nở và hòa đồng với mọi người, nhưng cũng có lúc bạn lại thu mình, cảnh giác và dè dặt với mọi thứ.
  • Bạn có những ước muốn hơi phi thực tế.
  • Bạn muốn cuộc sống của mình luôn nằm trong vòng an toàn.
hiệu ứng forer
Nhà tâm lý học Forer đã đưa ra một thí nghiệm thú vị và thành công mĩ mãn, khi tất cả học sinh đều tin tưởng vào những kết luận chung chung mà ông đưa ra.

Thông qua kết quả thí nghiệm của Forer, chúng ta thấy rằng con người có xu hướng tin tưởng vào những mô tả chung chung, thường mang tính tích cực, là đúng với bản thân. Nếu chúng ta bị “thao túng” ngay từ đầu rằng những kết luận này là độc nhất cho mỗi cá nhân, đa phần sẽ tin tưởng ngay lập tức, dù trên thực tế những nhận định này có thể áp dụng cho mọi trường hợp. Đây là một hiệu ứng về sự cả tin của con người.

Ban đầu, hiệu ứng này không được đặt tên. Nhưng vào năm 1956, nhà tâm lý học Paul Meehl đã gọi hiệu ứng tâm lý này bằng thuật ngữ “hiệu ứng Barnum”. Phineas Taylor Barnum là một nghệ sĩ xiếc nổi tiếng với những mánh khóe tâm lý khiến người xem tin tưởng vào những điều ông nói và làm. Chính vì sự tương đồng này mà Paul Meehl đã dùng cái tên Barnum đặt cho hiệu ứng thú vị này. Ngoài ra, người ta cũng gọi đây là hiệu ứng Forer.

Cách hoạt động và ứng dụng của hiệu ứng Barnum

Hiệu ứng Barbum được ứng dụng rộng rãi trong đời sống với nhiều hình thức khác nhau. Việc sử dụng hiệu ứng này có thể là vô tình hay có chủ đích, phục vụ cho một mục đích nào đó. Những trường hợp sử dụng hiệu ứng này có thể kể đến như: xem bói bài, xem chỉ tay, bói tarot, làm trắc nghiệm tính cách trên mạng, phân tích thị trường, tìm hiểu thị hiếu khách hàng, marketing, truyền thông, quảng cáo,…

Việc áp dụng hiệu ứng Barnum một cách hợp lý mang đến những lợi ích nhất định. Tuy nhiên để đạt được hiệu quả, chúng ta cần hiểu rõ cơ chế hoạt động của hiệu ứng này để vận dụng chúng một cách tốt nhất. Để tạo ra hiệu ứng Barnum, chúng ta cần chú ý đến 3 yếu tố là: lòng tin giữa người với người, cách thức khiến đối tượng tin vào điều bạn nói, và tìm cách giữ niềm tin lâu dài.

Ví dụ trong thí nghiệm của Forer, các sinh viên không hề nghi ngờ về lời nói của nhà tâm lý học. Họ tin rằng những kết quả nhận được là cho từng cá nhân cụ thể. Forer có được lòng tin của học trò, do đó họ dễ dàng rơi vào bẫy do ông đặt ra. Ông cũng dùng thời gian một tuần để khiến sinh viên tin rằng, ông cần nhiều thời gian để xem xét từng đối tượng một cách cụ thể nhằm đưa ra nhận xét chính xác nhất.

hiệu ứng barnum
Hiệu ứng Barnum cũng có thể được xem lá một dạng thao túng tâm lý điển hình, khi chúng ta bày tỏ lòng tin sâu sắc vào một kết luận vô thưởng vô phạt.

Cuối cùng, những nhận xét của Forer tuy mang tính chung chung, nhưng lại là những nhận xét khá tích cực. Con người chúng ta có xu hướng tin tưởng những điều tích cực hơn tiêu cực khi nói về bản thân. Do đó những nhận xét càng tích cực thì càng dễ lấy lòng tin. Bạn cũng có thể đưa ra những nhận xét tiêu cực, sau đó thể hiện rằng có những thứ khác tốt hơn có thể bù đắp cho sự tiêu cực đó.

1. Chiêm tinh, bói toán, tử vi

Bạn có thể dễ dàng nhận thấy, những nét tính cách đặc trưng theo chiêm tinh hay tử vi, ít nhiều đều xuất hiện ở mỗi người trong chúng ta. Khác biệt duy nhất là những đặc điểm ấy ít hay nhiều, nổi bật hay không nổi bật. Những người xem bói cũng có thể đọc vị một số nét tính cách thông qua hành vi, cử chỉ của khách hàng, sau đó kết hợp với những đặc điểm chung rồi đưa ra lời phán. Kết quả là chúng ra tin tưởng hoàn toàn vào những dự đoán vô thưởng vô phạt.

2. Nội dung mang tính cá nhân hóa

Hiện nay, nội dung mang tính cá nhân hóa đang là xu hướng thu hút khách hàng của các nhà cung cấp dịch vụ. Bằng cách dùng cụm từ “dành riêng cho ABC”, họ khiến chúng ta lầm tưởng bản thân nhận được sự quan tâm đặc biệt, được thấu hiểu và chia sẻ. Nhưng trên thực tế, những danh sách này chỉ được tổng hợp ngẫu nhiên, hoặc theo một thuật toán cụ thể, chứ không dựa trên sở thích cá nhân của bạn.

Hiệu ứng Barnum trong trường hợp này có tác dụng thu hút và giữa chân khách hàng, bằng cách khiến chúng ta lầm tưởng họ cung cấp trải nghiệm tốt và riêng tư hơn. Netflix và Spotify là những ứng dụng đi đầu trong phong trào nội dung mang tính cá nhân hóa, với những danh sách nhạc, video ngắn, phim truyện được đề xuất và tùy chỉnh, sắp xếp “chỉ dành riêng cho bạn” khiến chúng ta thích thú khi được quan tâm đặc biệt.

3. Chiến lược quảng cáo và marketing

Những người làm công việc tiếp thị, quảng cáo rất biết cách đánh vào tâm lý khách hàng. Họ sẽ tạo nên những quảng cáo có vẻ như dành riêng cho bạn, bằng cách nêu ra một tình huống cụ thể, sau đó xuất hiện như một “vị cứu tinh” giúp bạn giải quyết mọi rắc rối. Trên thực tế, tình huống đặt ra đa phần chúng ta đều phải đối mặt, nhưng họ khiến bạn cảm thấy quảng cáo này như dành riêng cho bạn, và đáp ứng đúng thứ bạn cần.

hiệu ứng barnum
Hiệu ứng Barnum nếu được tận dụng tốt trong các chiến lược truyền thông marketing thì có thể mang đến lợi nhuận khổng lồ cho doanh nghiệp.

Nắm bắt được tâm lý này, các quảng cáo và chiến lược tiếp thị gần như đánh trúng tim đen của mỗi chúng ta, và khiến ta tin tưởng vào những điều họ muốn đề cập. Khả năng thuyết phục khách hàng bằng cách lợi dụng hiệu ứng Barnum này giúp các nhãn hàng bán nhiều sản phẩm hơn, thu được nhiều lợi ích hơn. Do đó, bạn cũng cần sáng suốt khi xem quảng cáo và cẩn trọng xem xét những lời tiếp thị sản phẩm.

Hiệu ứng Barnum: Tốt hay xấu?

Không có điều gì trên đời là hoàn toàn tốt hay hoàn toàn xấu, mọi thứ đều tồn tại hai mặt đối lập. Hiệu ứng Barnum có lợi cho ngành marketing. Ngoài ra về cơ bản thì đây chỉ là những kết luận vô thưởng vô phạt, thường mang tính tích cực, và có tác dụng cổ vũ chúng ta trong cuộc sống. Những kết luận này trong suy nghĩ của từng người cũng sẽ có nhiều điểm khác biệt, tùy vào cách nhìn nhận của chúng ta là tích cực hay tiêu cực.

Hiệu ứng này chỉ thể hiện mặt tiêu cực khi chúng ta tin tưởng một cách mù quáng vào các kết luận, mà không suy xét đến những yếu tố khác. Tin tưởng mù quáng khiến chúng ta phớt lờ những vấn đề tiêu cực, đánh giá sai về khả năng của bản thân, cố gắng chối bỏ bản ngã để trở thành một hình mẫu được định hình sẵn dù chúng không phù hợp. Ngoài ra, bạn cũng có thể bỏ qua những nhận xét thẳng thắn nhưng chân thật.

Những nhận định thông qua tử vi và bói toán chỉ nên là những yếu tố tham khảo, chứ không phải dựa trên những kết luận chung chung mà bỏ lỡ những cơ hội quý giá, hay cảm thấy tự ti mặc cảm về bản thân. Bạn cũng nên sáng suốt trước những chiêu trò quảng cáo để không rơi vào bẫy để rồi mất tiền oan. Chỉ nên mua những đồ vật thật sự cần thiết, và hãy suy nghĩ kỹ trước khi bỏ tiền cho những gói dịch vụ được quảng cáo là “dành riêng cho bạn”.

Làm sao để tránh ảnh hưởng của hiệu ứng Barnum?

Hiệu ứng Barnum thành lập dựa trên sự cả tin, cảm giác thỏa mãn khi nhận được những dịch vụ “dành riêng cho bạn”, “độc nhất vô nhị”, và khi nghe những nhận xét đầy tính tích cực. Do đó, hiểu rõ về hiệu ứng này có thể ngăn bạn chìm đắm trong những lời “phán” mà quên mất yếu tố hiện thực, và giúp bạn đưa ra những quyết định sáng suốt hơn. Hãy thực hiện những cách sau để bạn tránh rơi vào cái bẫy của hiệu ứng Barnum:

hiệu ứng barnum
Đừng để hiệu ứng tâm lý này ảnh hưởng đến sự phán đoán, lòng tin và những quyết định mang tính quang trọng của bạn.
  • Luôn đặt bản thân vào trạng thái nghi ngờ: Nếu bạn đọc một bài đánh giá với những kết luận chung chung, không có bằng chứng rõ ràng thì hãy đặt ra nghi vấn về tính xác thực. Hãy nghĩ xem vì sao những kết luận này lại chính xác đến vậy, chúng có phản ánh đúng theo những đáp án mà bạn đã trả lời hay không, chúng có trùng hợp quá mức với những điều xảy ra với bạn hay không. Chúng ta có thói quen liên tưởng, và gán ghép những sự kiện xảy ra với lời tiên đoán, dù chúng thật ra không hề liên quan đến nhau.
  • Lý trí khi đưa ra những quyết định quan trọng: Những lời bói toán, tử vi, hay những bài kiểm tra tính cách không thể phản ánh chính xác con người và tương lai của bạn. Do đó, đừng dựa vào những lời nói này để đưa ra những quyết định quan trọng ảnh hưởng đến cuộc đời của bạn. Tử vi nói bạn sẽ giàu khi về già, nhưng nếu bạn không lao động, không làm ra tiền, liệu bạn có thể hưởng thụ sự giàu sang cuối đời? “Chưa đỗ ông Nghè đã đe hàng Tổng” là một câu tục ngữ chính xác cho trường hợp này. Đừng vì những lời phán truyền bâng quơ mà ảnh hưởng đến chính bản thân bạn và những người xung quanh.
  • Suy nghĩ thận trọng và đánh giá tình hình: Trước khi tin tưởng những và làm theo lớp phán, lời khuyên, hay lời bói toán của một ai đó, bạn nên dành thời gian để suy nghĩ và phân tích vấn đề. Sự tin tưởng mù quáng và nóng vội trong kết luận có thể giết chết bạn. Hãy suy nghĩ về sự xác thực của thông tin, không ngừng đặt ra nghi vấn về những vấn đề xung quanh chúng. Sau đó bạn hãy phân tích những mặt lợi và hại khi làm theo. Liệu chúng có mang đến hậu quả xấu? Liệu chúng có phải là trò bịp bợm và có thể giải thích theo logic? Đánh giá cẩn thận trước khi quyết định giúp rủi ro của bạn giảm xuống đáng kể so với quyết định vội vàng.
  • Kiểm tra tính xác thực với nhiều người khác: Ví dụ trong thí nghiệm của nhà tâm lý học Porer, nếu học sinh trao đổi những nhận định của họ cho nhau, thí nghiệm sẽ thất bại vì sinh viên có thể nhận ra họ nhận được cùng một kết luận chung chung. Nhưng thông thường, do sự “riêng tư” nên chúng ta hiếm khi chia sẻ những vấn đề này với người khác, để rồi không ai nhận ra họ giống hệt nhau trong mọi tình huống. Việc xác định lại thông tin với những người có cùng một số điểm chung có thể giúp bạn thoát khỏi cái bẫy giăng sẵn của hiệu ứng Barnum.
  • Không rơi vào bẫy marketing: Người làm marketing sẽ đánh thẳng vào nhận thức của bạn bạn bằng những thông tin mang tính cá nhân hóa và hữu ích, dụ dỗ bạn sử dụng sản phẩm của họ với nhiều ưu đãi đặc biệt dành riêng. Hiệu ứng Barnum giúp nhãn hàng kết nối chặt chẽ với khách hàng, gia tăng lòng trung thành với thương hiệu và giữ chân khách hàng lâu hơn. Vì thế, hãy sáng suốt để bạn không trở thành con cừu cho nhãn hàng chăn dắt hàng ngày. Hãy là người tiêu dùng thông thái, và chỉ mua đồ khi thật sự cần thiết. Ngoài ra, hãy cảnh giác với những gói dịch vụ riêng được quảng cáo là “dành riêng cho bạn” cùng với những phúc lợi đặc biệt.
hiệu ứng Barnum
Hãy cẩn trọng để không rơi vào bẫy của hiệu ứng Barnum, những lời tiên tri chi có tác dụng tham khảo và là động lực cố gắng, chứ không phải tương lai đang hiện hữu.

Cách tốt nhất để bảo vệ bản thân khỏi ảnh hưởng của hiệu ứng Barnum là luôn duy trì thái độ nghi ngờ của bạn trong mọi việc. Chỉ khi giữ vững lý trí, suy nghĩ sáng suốt trước những lời cám dỗ, những lời tâng bốc tích cực nhưng sáo rỗng thì bạn mới không đưa ra những quyết định sai lầm. Hy vọng bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về hiệu ứng Barnum, những ảnh hưởng của chúng đến tâm lý, và cách phòng tránh hữu hiệu nhất giúp bạn không rơi vào bẫy.

Có lẽ bạn quan tâm:

  • Hiệu ứng Mandela: Liệu có đáng sợ khi số đông bị rối trí?
  • Trắc Nghiệm MBTI – Định Hướng Nghề Nghiệp Theo Tính Cách
  • Rối loạn nhân cách Schizotypal là gì?
  • Khủng hoảng hiện sinh: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách vượt qua