Margin Level (Mức ký quỹ) là gì? Ý nghĩa và cách tính Margin Level trong giao dịch forex

Margin Level cũng là một thuật ngữ cực kỳ quan trọng trong giao dịch forex và đặc biệt hơn khi thuật ngữ này lại liên quan đến 2 sự kiện mà bất kỳ trader nào cũng cảm thấy sợ hãi mỗi khi nhắc đến, đó là Margin Call và Stop Out.

Tuy nhiên, trên thực tế, rất nhiều trader dường như không mấy quan tâm đến Margin Level dẫn đến tài khoản thường xuyên rơi vào trạng thái báo động.

Vậy, Margin Level là gì? Margin Level được tính như thế nào và ảnh hưởng đến giao dịch ra sao? Cùng kienthucforex.com tìm hiểu trong bài viết lần này nhé.

Margin Level hay mức ký quỹ là gì?

Margin Level hay mức ký quỹ là tỷ lệ phần trăm giữa vốn chủ sở hữu với ký quỹ đã sử dụng. Trong giao dịch forex, Margin Level được xem là thước đo về khả năng chịu đựng của tài khoản, tức tài khoản giao dịch của trader vẫn đang ở ngưỡng an toàn, có thể thực hiện thêm các lệnh mới hoặc tài khoản đang trong trạng thái đáng báo động, không thể thực hiện thêm bất kỳ một giao dịch mới nào nếu trader không nạp thêm vốn hoặc đóng bớt các vị thế mở hiện tại.

Margin Level hay mức ký quỹ được tính toán như thế nào?

Trên thực tế, các phần mềm giao dịch forex như MT4, MT5 hoặc cTrader đều tự động tính toán giá trị của Margin Level và hiển thị ở phần thông tin tài khoản nên trader không cần phải tính nữa.

margin level la gi 1

Tuy nhiên, để hiểu được ý nghĩa của Margin Level thì không chỉ cần phải biết tính ra giá trị của nó mà trader còn phải nên hiểu tường tận về những khía cạnh liên quan đến nó.

Margin Level hay mức ký quỹ có công thức tính như sau:

Margin Level = (Equity/Used Margin)*100%

Hay, Mức ký quỹ = (Vốn chủ sở hữu/Ký quỹ đã sử dụng)*100%

Qua công thức trên, chúng ta có thể thấy được Margin Level phụ thuộc vào 2 đại lượng là Equity và Used Margin. Trong khi chúng lại liên quan đến nhiều thuật ngữ khác. Cụ thể:

Balance (số dư tài khoản): chính là số dư hiện tại của tài khoản, không tính đến phần lợi nhuận hoặc thua lỗ của lệnh đang chạy. Khi trader nạp tiền vào tài khoản lần đầu tiên thì Balance chính bằng số tiền nạp ban đầu này. Mỗi khi tất cả các vị thế mở bị đóng lại, lợi nhuận hoặc thua lỗ sẽ chính thức được kết chuyển vào tài khoản, từ đó balance sẽ được cập nhật lại và không đổi cho đến khi có bất kỳ một lệnh mới nào được thực hiện.

Floating P/L, viết đầy đủ là Floating Profit/Loss (Lợi nhuận/thua lỗ thả nổi): là lợi nhuận hoặc thua lỗ của các lệnh đang chạy. Chỉ khi nào các lệnh được đóng lại thì đó mới trở thành lợi nhuận/thua lỗ chính thức của lệnh và lúc đó Balance mới thay đổi.

Equity (vốn chủ sở hữu): hay còn được gọi là số dư tức thời của tài khoản, nghĩa là Equity sẽ phụ thuộc vào lợi nhuận/thua lỗ của lệnh đang chạy. Equity = Balance +/- Floating P/L.

Trường hợp Floating P/L = 0, tức không có lệnh đang chạy hoặc có lệnh đang chạy nhưng giá không thay đổi so với lúc khớp lệnh thì Equity = Balance.

Used Margin (ký quỹ đã sử dụng): tổng tất cả các khoản ký quỹ của các lệnh đang chạy.

Free Margin (ký quỹ tự do hay ký quỹ còn dư): cho biết tài khoản có thể mở thêm lệnh mới hay không, nếu Free Margin = 0 nghĩa là không còn ký quỹ để có thể thực hiện thêm lệnh mới. Free Margin = Equity – Used Margin

Và cuối cùng là Margin Level = (Equity/Used Margin)*100%.

Mối quan hệ giữa các thuật ngữ và ý nghĩa của Margin Level

Margin Level phụ thuộc vào Equity và Used Margin mà Equity thay đổi liên tục do Floating P/L thay đổi, do đó, Margin Level cũng sẽ biến động liên tục trên tài khoản giao dịch của trader khi có lệnh đang chạy.

Nếu lệnh đang có lợi nhuận, tức Floating P/L nhận giá trị dương thì Equity tăng, Used Margin không đổi, suy ta Margin Level tăng và Free Margin cũng tăng → tài khoản có khả năng thực hiện thêm các lệnh mới.

Nếu lệnh đang thua lỗ, tức Floating P/L nhận giá trị âm thì Equity giảm, Used Margin không đổi, suy ta Margin Level giảm, Free Margin cũng giảm → vẫn có thể thực hiện các lệnh mới nhưng khả năng tiếp cận khối lượng giao dịch lớn sẽ giảm dần.

Mặt khác, Margin Level cũng phụ thuộc vào Used Margin. Used Margin sẽ thay đổi trong 2 trường hợp:

  • Trader đặt thêm lệnh mới → Used Margin tăng → Margin Level giảm
  • Trader đóng bớt lệnh đang chạy → Used Margin giảm → Margin Level tăng

Ngoài ra, khi trader nạp thêm tiền vào tài khoản thì Balance tăng → Equity tăng nên Margin Level sẽ tăng lên.

Khi Equity giảm xuống và bằng với Used Margin, thì Margin Level = 100%, Free Margin = 0 → tài khoản không có khả năng mở thêm lệnh mới.

Khi Margin Level <100%, Free Margin < 0 thì không chỉ không thể đặt thêm lệnh mới mà lệnh hiện tại đang thua lỗ khá lớn, tài khoản đang rơi vào trạng thái đáng báo động.

Nếu Margin Level tiếp tục giảm đến một tỷ lệ cụ thể thì 2 sự kiện Margin Call và Stop Out sẽ xảy ra. Chúng ta sẽ tìm hiểu về 2 thuật ngữ này ở phần cuối cùng của bàI biết.

Ví dụ cụ thể về cách tính Mức ký quỹ – Margin Level

Ví dụ: Hiện tại, tài khoản của bạn chưa có bất kỳ lệnh nào đang chạy.

Các thông số của tài khoản như sau:

  • Balance = 200$
  • Equity = 200$
  • Free Margin = 200$

Bạn thực hiện một lệnh Buy 0.02 lots trên cặp EUR/USD, và tỷ giá khớp lệnh là 1.23350. Tỷ lệ đòn bẩy của tài khoản là 1:200 và giao dịch được miễn phí commission.

0.02 lots trên cặp EUR/USD có giá trị là 0.02*100,000 EUR = 2,000 EUR, tỷ giá khớp lệnh là 1.23350, suy ra 2,000 EUR = 2,467 USD.

Với tỷ lệ đòn bẩy 1:200 thì margin của lệnh này sẽ là 12.34 USD.

Trường hợp 1: Floating P/L = 0

Tức giá thị trường hiện tại vẫn không đổi so với thời điểm khớp lệnh. Các thông số của tài khoản sẽ thay đổi như sau:

  • Balance = 200$
  • Equity = Balance = 200$
  • Used Margin = Margin của lệnh vừa mở = 12.34$
  • Free Margin = Equity – Used Margin = 200 – 12.34 = 187.67$
  • Margin Level = (Equity/Used Margin)*100% = (200/12.34)*100% = 1621.403%

Margin Level > 100% và đang rất cao → tài khoản đang an toàn, bạn có thể thực hiện thêm giao dịch mới.

Trường hợp 2: Floating P/L > 0

Giá tăng lên như dự đoán và tỷ giá hiện tại của cặp EUR/USD là 1.24700, tăng 135 pips.

Hiện tại, lệnh đang có lợi nhuận, Floating P/L = 0.02*135*10 = 27$. Các thông số của tài khoản sẽ thay đổi thành:

  • Balance = 200$
  • Equity = Balance + Floating P/L = 200 + 27 = 227$
  • Used Margin = 12.34$
  • Free Margin = 227 – 12.34 = 214.66$
  • Margin Level = (227/12.34)*100% = 1840.292%

Margin Level đang tăng và Free Margin cũng tăng → tài khoản đang an toàn, trader có thể đặt thêm lệnh mới.

Trường hợp 3: Floating P/L < 0

Giá đi ngược hướng dự đoán và tỷ giá hiện tại của cặp EUR/USD là 1.20030, giảm 332 pips.

Lệnh đang thua lỗ và Floating P/L = – (0.02*332*10) = – 66.4$. Lúc, này, các thông số của tài khoản sẽ như sau:

  • Balance = 200$
  • Equity = 200 – 66.4 = 133.6$
  • Used Margin = 12.34$
  • Free Margin = 133.6 – 12.34 = 121.27$
  • Margin Level = (133.6/12.34)*100% = 1083%

Cả Margin Level và Free Margin đều giảm nhưng Margin Level vẫn lớn hơn 100%, tức tài khoản vẫn có khả năng mở thêm vị thế mới.

Mức ký quỹ (Margin Level) ảnh hưởng đến giao dịch của trader như thế nào?

Như đã nói, trong trường hợp Margin Level giảm xuống thấp hơn 100%, lúc này, Free Margin <0, tài khoản không đủ khả năng để thực hiện thêm các lệnh mới và cho đến khi Margin Level giảm đến một tỷ lệ cụ thể nào đó, chẳng hạn như 80% thì sàn sẽ gửi cảnh báo đến cho tài khoản của trader.

Cảnh báo này được gọi là Margin Call và tỷ lệ 80% trong trường hợp này chính là Margin Call Level.

Phụ thuộc vào mỗi broker mà Margin Call Level sẽ khác nhau, có thể là 100%, 80% hoặc 60%… và cảnh báo này sẽ được gửi qua email hoặc điện thoại.

Mục đích của Margin Call chính là muốn trader phải tác động vào tài khoản của mình để Free Margin và Margin Level có thể tăng lên lại nếu muốn đặt thêm lệnh mới.

Có 2 cách mà trader có thể tác động vào tài khoản để tăng Margin Level:

  • Cách 1: Nạp thêm tiền vào tài khoản → Balance tăng → Equity tăng → Margin Level và Free Margin tăng.
  • Cách 2: Đóng bớt lệnh đang chạy → Used Margin giảm → Margin Level và Free Margin tăng.

Trong trường hợp trader không can thiệp vào tài khoản và thị trường thì vẫn tiếp tục di chuyển theo hướng bất lợi cho giao dịch của trader thì Floating P/L càng âm, Margin Level càng giảm, và khi Margin Level tiếp tục giảm đến một tỷ lệ nào đó, thấp hơn Margin Call Level, chẳng hạn như 50% thì Stop Out sẽ xảy ra. Đây chính là sự kiện kinh khủng nhất đối với các forex trader. 50% trong trường hợp này là Stop Out Level.

Khi Stop Out xảy ra, sàn forex sẽ có quyền đóng lệnh của trader theo thứ tự khối lượng giao dịch giảm dần cho đến khi Margin Level tăng lên trên mức an toàn, tức lớn hơn Stop Out Level, nhưng nếu Margin Level vẫn thấp hơn Margin Call Level thì Margin Call vẫn tiếp tục xảy ra và vòng luẩn quẩn này có thể sẽ được tiếp diễn mãi. Nhưng nếu như Margin Level vẫn không được cải thiện nữa thì sàn sẽ đóng tất cả các lệnh của trader lại. Đó chính là điều tồi tệ nhất.

margin level la gi 2

Tuy nhiên, trên thực tế, khi Margin Level chạm đến Margin Call Level thì sẽ rất nhanh tiến đến Stop Out Level mà trader có thể sẽ chưa kịp làm gì để cứu tài khoản của mình. Do đó, cách tốt nhất để Stop Out không xảy ra chính là đừng để Margin Call xảy ra.

Để tìm hiểu chi tiết hơn về Margin Call, Stop Out và làm thế nào để Margin Call không xảy ra, các bạn có thể tham khảo bài viết sau: Margin Call là gì? Làm sao để tránh bị Margin Call trong giao dịch forex?

Kết luận

Như đã nói, việc hiểu ý nghĩa và cách tính các đại lượng trong giao dịch forex, trong đó tất nhiên có Margin Level, là cực kỳ cần thiết. Hơn thế nữa, Margin Level lại liên quan mật thiết đến Margin Call và Stop Out, 2 sự kiện ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài khoản giao dịch mà bất kỳ một trader nào cũng đều không mong muốn xảy ra. Do đó, việc hiểu một cách tường tận về Margin Level sẽ giúp trader biết được nên quản trị rủi ro, quản lý và phân bổ vốn vào các lệnh như thế nào là hợp lý, để cho dù thị trường có đi theo hướng bất lợi thì Margin Level cũng sẽ ở mức an toàn.

CHÚC CÁC BẠN THÀNH CÔNG.