1. Tên đệm là gì?
Họ tên của một người là cách xác định danh tính một người nhất định. Tên đệm, hay còn gọi là chữ lót là tên được đặt ở giữa họ và tên, một phần không thể tách rời của một cái tên và có thể độc lập với tên chính, nhấn mạnh cho tên, mục đích nhấn mạnh và làm rõ nghĩa thêm cho tên.
Ngoài ra, tên đệm cũng thường được cha mẹ lựa chọn đặt cho con gắn liên với tên của con để tại ra một ý nghĩa cho tên của con theo dụng ý của cha mẹ.
Thông thường người Việt Nam thường đặt tên con theo cấu trúc: Họ+Tên đệm+Tên chính. Trong đó, “Họ” là tập hợp những người có cùng dòng máu, cùng tổ tiên, được dùng chung và để phân biệt với người cùng họ và người khác họ, thường được đăt trước tên đệm và tên chính. Tùy phong tục, tập quán ở mỗi nơi khác nhau, con sinh ra có thể mang họ cha hoặc họ mẹ, thông thường mang họ cha. Một người có thể mang họ đơn hoặc mang họ kép từ họ của cả cha và mẹ. “Tên” của một người được hiểu là từ hoặc nhóm từ dùng để chỉ cá nhân để phân biệt giữa cá nhân này với cá nhân khác. Tên thường gồm tên đệm + tên chính, trong đó tên đêm không bắt buộc phải có, tên có thể là từ đơn âm hoặc đa âm.
Hiện này nhiều người trùng tên, thậm chí trùng cả họ và tên với nhau nhưng không ảnh hưởng đến việc xác định danh tính của người đó. Bởi mỗi người đều có một mã định danh khác nhau và tên gọi chỉ là cách để xác định cá nhân khi giao tiếp.
Ví dụ: Anh Quách Khánh Vy có họ là “Quách”, tên đệm là “Khánh”, tên chính là “Vy”
2. Quy cách đặt họ, đặt tên và tên đệm cho con như thế nào?
2.1. Quy cách đặt họ:
Theo quy định tại Điều 26 Bộ luật dân sự năm 2015 thì việc đặt họ được xác định như sau:
Mỗi cá nhân sinh ra đều có quyền được khai sinh và có quyền được có họ, tên (bao gồm cả chữ đệm, nếu có) xác định theo họ, tên khai sinh của người đó.
Cách đặt họ cho cá nhân được xác định theo họ của cha đẻ hoặc họ của mẹ đẻ theo thỏa thuận của cha mẹ; nếu cha mệ không thể thỏa thuận được việc đặt họ cho con thì họ của con được xác định theo tập quán. Trường hợp con sinh ra nhưng chưa thể xác định được cha đẻ của con thì họ của con được đặt theo họ của mẹ đẻ.
Đối với trường hợp nhận nuôi con nuôi với trẻ em bị bỏ rơi, chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ thì đặt họ cho trẻ em được nhận nuôi được xác định theo họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi theo thỏa thuận của cha mẹ nuôi. Nếu việc nhận nuôi con của một người là cha nuôi hoặc chỉ có mẹ nuôi thì họ của trẻ em được đặt theo họ của người nhận nuôi đó.
Đối với trẻ em bị bỏ rơi mà chưa xác định được cha đẻ, mẹ đẻ mà chưa được nhận làm con nuôi thì xác định họ cho con theo đề nghị của người đứng đầu cơ sở nuôi dưỡng trẻ em đó hoặc đặt họ được xác định dựa trên đề nghị của người có yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em, nếu trẻ em đang được người đó tạm thời nuôi dưỡng.
Xác định cha đẻ, mẹ đẻ theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình là cha, mẹ được xác định dựa trên sự kiện sinh đẻ; người nhờ mang thai hộ với người được sinh ra từ việc mang thai hộ.
Bên cạnh đó hướng dẫn tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP cũng quy định cách đặt Họ của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; đối với trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán tại địa phương nhưng phải bảo đảm theo họ, dân tộc, quê quán của cha hoặc mẹ.
Ngoài ra, việc đặt họ con được hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư 04/2020/TT-BTP hướng dẫn Luật hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành có quy định việc xác định họ cho trẻ em phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam.
Như vậy, việc đặt họ cho con phải tuân thủ các quy định của pháp luật như trên, không được làm trái các quy định của pháp luật.
2.2. Quy cách đặt tên:
Mọi cá nhân đều có quyền có tên. Khi đặt tên cần lưu ý tên của công dân Việt Nam phải bằng tiếng Việt hoặc tiếng dân tộc khác của Việt Nam; không đặt tên bằng số, bằng một ký tự mà không phải là chữ (Khoản 3 Điều 26 Bộ luật dân sự năm 2015). Hơn nữa việc đặt tên cho con còn bị hạn chế trong trường hợp xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Nguyên tắc đó là cá nhân được tự do đặt tên của bình mà không bị phân biệt đối xử, tên được đặt không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, tên của cá nhân có quyền và nghĩa vụ dân sự theo tên của mình.
Theo hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư 04/2020/TT-BTP thì khi đặt tên cần lưu ý tên của cá nhân phải phù hợp với pháp luật và yêu cầu giữ gìn bản sắc dân tộc, tập quán, truyền thống văn hóa tốt đẹp của Việt Nam, đặt tên không đặt tên quá dài, khó sử dụng.
Thông thường, cá nhân được cha, mẹ đặt tên theo mong nuốn và ý chí, tên thường được đặt phù hợp với giới tính. Chẳng hạn nam thường được đặt tên Hùng, Dũng, Mạnh, Tuấn, Tú, … nữ thường được đặt tên Hoa, Lan, Tuyết, Nga, Vy, …
Ngoài ra, theo quy định tại Điều 16 của Luật hộ tịch năm 2008 thì trẻ em sinh ra có cha hoặc mẹ là công dân Việt Nam còn người kia là công dân nước ngoài thì nếu có sự thỏa thuận bằng văn bản của cha mẹ tại thời điểm đăng ký khai sinh cho con thì con sẽ có quốc tịch Việt Nam. Hoặc cha mẹ không thỏa thuận được việc lựa chọn quốc tịch cho con mà con sinh ra trên lãnh thổ Việt Nam thì trẻ em đó có quốc tịch Việt Nam.
Theo quy định công dân có quốc tịch Việt Nam cho dù có cha, mẹ có quốc tịch nước ngoài thì phải đặt tên bằng Tiếng Việt, nếu công dân đó mang quốc tịch nước ngoài thì sẽ tuân theo quy định đặt tên con ở nước đó, chứ không tuân theo quy định về đặt tên của pháp luật Việt Nam.
2.3. Quy cách đặt tên đệm:
Việc đặt tên đệm cho con cũng phải phù hợp với tục lệ về chữ đệm, phù hợp thuần phong mỹ tục của dân tộc. Khác với việc đặt tên được tự do, việc đặt chữ đệm ở Việt Nam hiện nay vẫn chịu sự chi phối khá rõ nét của tục lệ từ xa xưa như: văn, thị, xuân, ngọc, đình,… Cũng như tên, đặt tên đệm để phù hợp với giới tính như chữ “văn” dùng cho nam, chữ “thị” để chỉ nữ giới, cũng có những tên đêm thể hiện trung tính: ngọc, duy, xuân, … Ngày nay, các bậc cha, mẹ thường đặt tên con mỹ miều, mang nhiều ý nghĩa, có những cái tên đệm ghép bứt phá khỏi tục lệ xưa, mang tính hiện đại hơn khi ghép cùng tên con. Về lý, pháp luật vẫn cho phép tự do đặt tên đệm nhưng xu hướng chung thường lựa chọn những cái tên ý nghĩa, phù hợp với giới tính, có những gia đình thống nhất dùng chữ đệm cho cả gia đình như Lê Duy, Nguyễn Văn, Cao Thanh, Trần Trọng, … ; có những gia đình đặt tên chữ đệm được lấy từ họ của mẹ trong điều kiện con mang họ cha, ví dụ, Trần Nguyễn, Lê Trần, Trần Lê, …để tránh điều tiếng không hay có thể ảnh hưởng đến cuộc sống sau này của người được đặt tên.
Tên đệm được đặt thường theo các hình thức sau:
– Tên đệm đứng độc lập: Là loại tên đệm thông thường không phối hợp được với tên họ hay tên chính để làm thành từ ngữ kép. VD: Trần Văn Toản.
– Tên đệm phối hợp với tên chính: Khi đặt tên cho con, nhiều ba mẹ đã tìm hiểu, nghiên cứu những tên đệm hay đi cùng với tên chính để ghép lại thành từ kép mang một ý nghĩa, mong muốn tốt đẹp nào đó của cha mẹ đối với con. VD: Trương Thiện Nhân.
– Tên đệm phối hợp với tên họ: Sử dụng tên đệm phối hợp cùng với họ của con để tạo thành cụm từ có ý nghĩa hay, tốt đẹp. Chẳng hạn: Hoàng Kim Sơn.
– Tên đệm có hai chữ, một đứng độc lập, một phối hợp với tên chính. VD: Nguyễn Bảo Minh Châu.
3. Khi nào cá nhân được quyền thay đổi họ, tên?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 7 của Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thi còn phải có sự đồng ý của người đó. Các trường hợp được thay đổi họ, tên được quy định cụ thể dưới đây:
3.1. Quyền thay đổi họ:
Khi có yêu cầu về việc thay đổi họ của cá nhân không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ cũ. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ theo quy định tại Điều 27 Bộ luật dân sự trong các trường hợp sau:
– Cha, mẹ có nhu cầu thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại;
– Cha nuôi, mẹ nuôi có yêu cầu thay đổi họ cho con nuôi từ họ của cha đẻ hoặc mẹ đẻ sang họ của cha nuôi hoặc họ của mẹ nuôi;
– Cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người làm con nuôi có yêu cầu lấy lại họ cho người được nhận làm con nuôi theo họ của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi;
– Khi xác định cha, mẹ cho con và có yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc của con về việc thay đổi họ cho con;
– Thay đổi họ của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
– Trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại họ trước khi thay đổi mà có yêu cầu thay đổi họ theo họ của vợ, họ của chồng;
– Khi cha mẹ thay đổi họ có yêu cầu thay đổi họ của con;
– Ngoài ra còn có các trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.
3.2. Quyền thay đổi tên:
Cũng giống như quyền của cá nhân khi đổi họ thì cá nhân cũng có quyền thay đổi tên và không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo tên cũ. Một số trường hợp cá nhân được quyền đổi tên theo quy định tại Điều 28 Bộ luật dân sự năm 2015 như sau:
– Cá nhân có yêu cầu thay đổi tên khi việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;
– Cha nuôi, mẹ nuôi có yêu cầu về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt cho con trước đây;
– Khi xác định lại cha, mẹ cho con mà cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con có yêu cầu thay đổi tên;
– Người bị lưu lạc có yêu cầu thay đổi tên khi đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
– Trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân có yêu cầu thay đổi theo tên của vợ, chồng hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi;
– Khi cá nhân xác định lại giới tính hoặc đã chuyển đổi giới tính mà có yêu cầu thay đổi tên;
– Ngoài ra còn có các trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định.
Các văn bản pháp luật sử dụng có liên quan đến bài viết:
– Bộ luật dân sự 2015;
– Luật Hộ tịch 2014;
– Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch;
– Thông tư 04/2020/TT-BTP hướng dẫn Luật hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật hộ tịch do Bộ trưởng Bộ Tư pháp ban hành.