Vãng sanh là gì? Điều kiện để người niệm Phật cầu vãng sinh tịnh độ là gì? Mời quý vị cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
1. Vãng sanh là gì?
Vãng sanh có nghĩa là:
(徃生): sau khi mạng chung sanh vào thế giới khác; thông thường từ này được dùng thay thế cho từ “chết”. Nếu nói về nghĩa rộng, vãng sanh có nghĩa là thọ sanh vào Ba Cõi, Sáu Đường cũng như Tịnh Độ của chư Phật; nhưng sau khi thuyết Di Đà Tịnh Độ (彌陀淨土) trở nên thịnh hành, từ này chủ yếu ám chỉ thọ sanh về thế giới Cực Lạc (s: Sukhāvatī, 極樂). Vãng sanh được chia làm 3 loại:
(1) Cực Lạc Vãng Sanh (極樂徃生), căn cứ vào thuyết của Vô Lượng Thọ Kinh (無量壽經), Quán Vô Lượng Thọ Kinh (觀無量壽經) và A Di Đà Kinh (阿彌陀經); tức là xa lìa thế giới Ta Bà (s, p: sahā, 娑婆), đi về cõi Cực Lạc Tịnh Độ của đức Phật A Di Đà ở phương Tây, hóa sanh trong hoa sen của cõi đó.
(2) Thập Phương Vãng Sanh (十方徃生), căn cứ vào thuyết của Thập Phương Tùy Nguyện Vãng Sanh Kinh (十方隨願徃生經), tức vãng sanh về các cõi Tịnh Độ khác ngoài thế giới của đức Phật A Di Đà.
(3) Đâu Suất Vãng Sanh (兜率徃生), y cứ vào thuyết của Di Lặc Thượng Sanh Kinh (彌勒上生經) cũng như Di Lặc Hạ Sanh Kinh (彌勒下生經); có nghĩa rằng Bồ Tát Di Lặc (s: Maitreya, p: Metteyya, 彌勒) hiện đang trú tại Nội Viện Đâu Suất (s: Tuṣita, p: Tusita, 兜率), đến 16 ức 7 ngàn vạn năm sau, Ngài sẽ giáng sanh xuống cõi Ta Bà để hóa độ chúng sanh. Người tu pháp môn này sẽ được vãng sanh về cung trời Đâu Suất, tương lai sẽ cùng Bồ Tát Di Lặc xuống thế giới Ta Bà. Phần nhiều hành giả Pháp Tướng Tông (法相宗) đều tu theo pháp môn này.
Ngoài ra, còn có các tín ngưỡng vãng sanh khác như người phụng thờ đức Phật Dược Sư (s: Bhaiṣajyaguru, 藥師) thì sẽ được vãng sanh về thế giới Tịnh Lưu Ly (淨瑠璃) của Ngài; người phụng thờ Bồ Tát Quán Thế Âm (s: Avalokiteśvara, 觀世音) thì được vãng sanh về cõi Bổ Đà Lạc Ca (s: Potalaka, 補陀洛迦); người tín phụng đức Phật Thích Ca (s: Śākya, p: Sakya, 釋迦) thì được sanh về Linh Thứu Sơn (靈鷲山); người tín phụng Hoa Nghiêm Kinh (s: Buddhāvataṃsaka-nāma-mahāvaipulya-sūtra, 華嚴經) thì được vãng sanh về Hoa Tạng Giới (華藏界); tuy nhiên, các tín ngưỡng này rất ít, nên vẫn chưa hình thành tư trào.
Như đã nêu trên, Cực Lạc Vãng Sanh và Đâu Suất Vãng Sanh là hai dòng tư tưởng chủ lưu của Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, v.v. Đối với Tam Luân Tông, Thiên Thai Tông, Hoa Nghiêm Tông, Thiền Tông, v.v., Cực Lạc Vãng Sanh là phương pháp tự lực thành đạo.
Riêng đối với Tịnh Độ Tông, tư tưởng này nương vào sự cứu độ của đức giáo chủ Di Đà làm con đường thành Phật, nên được gọi là Tha Lực Tín Ngưỡng. Còn Đâu Suất Vãng Sanh là tư tưởng thích hợp đối với Pháp Tướng Tông, được xem như là pháp môn phương tiện tu đạo.
Tại Nhật Bản, trong Tây Sơn Tịnh Độ Tông (西山淨土宗) có lưu hành 2 thuyết về vãng sanh là Tức Tiện Vãng Sanh (卽便徃生) và Đương Đắc Vãng Sanh (當得徃生). Tịnh Độ Chơn Tông thì chủ trương thuyết Hóa Sanh (化生) vãng sanh về Chân Thật Báo Độ (眞實報土), và Thai Sanh (胎生) vãng sanh về Phương Tiện Hóa Độ (方便化土), v.v.
Một số tác phẩm của Trung Quốc về tư tưởng vãng sanh như An Lạc Tập (安樂集, 2 quyển) của Đạo Xước (道綽, 562-645) nhà Đường, Vãng Sanh Luận Chú (徃生論註, còn gọi là Tịnh Độ Luận Chú [淨土論註], 2 quyển) của Đàm Loan (曇鸞, 476-?) thời Bắc Ngụy, v.v.
Về phía Nhật Bản, cũng có khá nhiều thư tịch liên quan đến tư tưởng này như Vãng Sanh Thập Nhân (徃生拾因, 1 quyển) của Vĩnh Quán (永觀); Vãng Sanh Yếu Tập (徃生要集) của Nguyên Tín (源信); Nhật Bản Vãng Sanh Cực Lạc Ký (日本徃生極樂記) của Khánh Tư Bảo Dận (慶滋保胤); Tục Bản Triều Vãng Sanh Truyện (續本朝徃生傳) của Đại Giang Khuông Phòng (大江匡房); Thập Di Vãng Sanh Truyện (拾遺徃生傳), Hậu Thập Di Vãng Sanh Truyện (後拾遺徃生傳) của Tam Thiện Vi Khang (三善爲康); Tam Ngoại Vãng Sanh Truyện (三外徃生傳) của Liên Thiền (蓮禪); Bản Triều Tân Tu Vãng Sanh Truyện (本朝新修徃生傳) của Đằng Nguyên Tông Hữu (藤原宗友); Cao Dã Sơn Vãng Sanh Truyện (高野山徃生傳) của Như Tịch (如寂), v.v.
Thần chú trì tụng để được vãng sanh về cõi Tịnh Độ là Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn Bản Đắc Sanh Tịnh Độ Đà La Ni (拔一切業障根本得生淨土陀羅尼), còn gọi là Vãng Sanh Quyết Định Chơn Ngôn (徃生決定眞言) hay Vãng Sanh Tịnh Độ Thần Chú (徃生淨土神呪).
Trong Tịnh Độ Chứng Tâm Tập (淨土證心集) của Vạn Liên Pháp Sư (卍蓮法師) nhà Thanh có câu: “Tam Giáo đồng nguyên, thống Nho Thích Đạo, câu kham niệm Phật, nhất tâm quy mạng, cụ Tín Nguyện Hạnh, tận khả vãng sanh (三敎同源、統儒釋道、俱堪念佛、一心歸命、具信願行、盡可徃生, Ba Giáo cùng gốc, cả Nho Thích Đạo, đều chung Niệm Phật; một lòng quy mạng, đủ Tín Nguyện Hạnh, thảy được vãng sanh).”
2. Điều kiện để người niệm Phật cầu vãng sinh tịnh độ
Điều kiện cần thiết thứ nhất của người niệm Phật là: phát Bồ đề Tâm. Nghĩa là trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sinh. Người tu Phật nói chung nếu không phát tâm Bồ đề, dẫu có tinh tấn tu hành trọn kiếp cũng không có kết quả, chỉ nhọc công vô ích. Trong kinh Hoa Nghiêm dạy rằng : “Vong thất Bồ đề tâm, tu chư thiện pháp, thị danh ma nghiệp” (Quên mất tâm Bồ đề, dẫu tu các hạnh lành cũng điều là nghiệp ma). Vì vậy, người tu pháp môn niệm Phật muốn thành tựu ước nguyện, chóng vãng sinh Tịnh Độ trước hết phải Bồ đề tâm mà niệm. Đây là điểm vô cùng quan trọng, không thể thiếu đối với người tu niệm Phật nói riêng và người tu các pháp môn khác nói chung.
Chính vì “Bồ đề” có nghĩa là giác, là quả vị tu chứng của hàng Thanh văn, Duyên giác, và quả vị Vô thượng Bồ đề. Nếu hành giả phát tâm trên cầu quả vị Phật, dưới cứu độ chúng sinh, phát tâm như thế gọi là phát Vô thượng Bồ đề tâm. Quả vị tu chứng của hành giả khi phát tâm Vô thượng là Phật. Đứng về phương diện bản chất thì tâm Vô thượng Bồ đề được xây dựng trên hai yếu tố: Từ bi và trí tuệ. Nhưng đứng về phương diện hình thức khi hành giả phát tâm rộng lớn bao hàm hai khía cạnh: nội tại và ngoại tại.
Chúng sinh xưa nay ai cũng tự có đủ Giác tánh thường minh, nhưng vì vọng động, nhiễm trần che lấp tâm tánh, khiến tính giác ngộ trong tự thân của mỗi chúng sinh bị tiềm tàng không hiển lộ ra ngồi. Việc tu tập không ngồi mục đích khơi dậy tiềm năng giác ngộ sẵn có trong tâm của mỗi người. Chúng sinh tuy sống trong vọng động bất an, đắm chìm trong sắc trần, ngũ dục nhưng không vì thế mà Giác tánh Bồ đề mất đi. Cho nên trong kinh đức Phật thường dạy: “Nhất thiết chúng sinh giai hữu Phật tánh”. Khi hành giả phát tâm trở về với Giác tánh sẵn có của chính mình, trở về với tự tánh Di Đà tự tâm, phát tâm như vậy gọi là phát tâm Bồ đề tự tánh nội tại.
Thế nhưng, chúng sinh muốn thành tựu được Vô thượng Bồ đề tâm, trước cần phải có những ngoại duyên hỗ trợ. Những ngoại duyên chính yếu cho một hành giả khởi phát tấm lòng rộng lớn đấy là nhờ bậc minh sư, nhờ thiện hữu tri thức, nhờ Tam tạng Thánh giáo. Khi hành giả tiếp xúc với Kinh điển, sự thấm nhuần của giáo pháp sẽ thúc đẩy hành giả phát khởi Bồ đề tâm. Hoặc giả nhờ thầy lành bạn tốt, nhờ những tấm gương sáng của chư Phật, chư vị Bồ tát, chư liệt vị Tổ sư, hành sinh tâm kính ngưỡng, muốn noi gương các Ngài và từ đó trong lòng phát khởi tâm Bồ đề. Sự phát khởi tâm này là nhờ nhân duyên bề ngồi tác động hay còn gọi là tư trợ ngoại tại.
Tóm lại, hành giả phát Bồ đề tâm là phát tâm mong cầu thành Phật, và mong cầu độ tận tất cả chúng sinh về cõi Phật. Mục đích của pháp môn niệm Phật là vãng sinh Tây phương Cực Lạc. Đã sinh ở cõi này, với đầy đủ thắng duyên hành giả tiến lên quả vị Vô thượng Bồ đề, đầy đủ từ bi và trí tuệ, đầy đủ năng lực độ sinh, hành giả trở lại Ta bà tiếp độ tất cả chúng sinh. Chính vì thế mà tâm nguyện vãng sinh Cực Lạc là tâm nguyện lợi tha, không ích kỷ hẹp hòi, tự mình an vui nơi cảnh Tịnh, phù hợp với tinh thần Bồ tát đạo. Cho nên, hành giả phát khởi chuyên tâm niệm Phật cầu sinh về cõi Tịnh cũng chính là phát tâm Vô thượng Bồ đề.
Tham học Kinh điển, gần gũi thầy lành bạn tốt, làm các việc phước thiện là trợ tu. Chánh hạnh, trợ duyên song hành mới hợp với pháp môn niệm Phật, được như thế sẽ chóng thành ước nguyện. Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ đức Phật dạy: “Tâm Bồ đề gồm đủ ba tâm: Tâm chí thành (thể); thâm tâm làm lành, tạo phước đức là tự thọ dụng; tâm hồi hướng phát nguyện là tha thọ dụng nghĩa là đối với chúng sinh phải có lòng đại từ đại bi đãi nhơn tiếp vật như vậy mới hợp với pháp môn Tịnh Độ” [20-142]. Nội dung ba tâm không ngồi tự lợi, lợi tha. Trên cầu quả vị Phật, dưới nhiếp hóa chúng sinh. Tâm nguyện này cũng chính là bổn hồi của mười phương chư Phật.
Điều kiện thứ hai của người tu theo pháp môn niệm Phật là: nghiêm trì Tịnh giới. Thông thường giới được hiểu là ngăn ngừa các điều sai quấy, chấm dứt các điều ác (Phòng phi, chỉ ác), hoặc ngưng điều ác và làm điều lành (chỉ ác, tác thiện). Theo ngài Buddhaghosa định nghĩa về Giới : “Giới có nghĩa là chế ngự theo năm cách như sau: Chế ngự với sự chế ngự của giới bổn pãtimokka, chế ngự bằng tỉnh giác; chế ngự bằng tri kiến; chế ngự bằng kham nhẫn; chế ngự bằng tinh tấn. Giới có nghĩa là kết hợp, vì nó kết hợp ba nghiệp thân. Khẩu, ý, hướng đến con đường thánh thiện. Giới có nghĩa là nền tảng, vì nó làm cơ sở cho người giữ giới cảm thấy mát mẻ”.
Qua hai định nghĩa trên ta thấy Giới giúp cho hành giả đạt được hai mục đích: không làm các việc ác (chư ác mạc tác), làm các việc lành (chúng thiện phụng hành). Mục tiêu của người niệm Phật là tịnh hóa thân tâm trong khi niệm, do đó muốn thân tâm được thanh tịnh là ngồi giới luật ra không còn phương cách nào thực hiện hữu hiệu hơn. Chính vì nhiệm vụ của giới là nhằm ngăn chặn và chấm dứt các tà hạnh, ngõ hầu thành tựu các chánh hạnh. Cho nên hành giả có chu tồn giới luật, tịnh nghiệp mới viên thành.
Giới được phân chia thành nhiều loại, hành giả tùy theo giới luật mà mình đã lãnh thọ, phải tuân giữ cho nghiêm mật. Bất cứ tu học theo pháp môn nào trong Phật giáo cũng không thể xem nhẹ giới luật. Vì giới là nền tảng của đạo, là thọ mạng của Phật pháp. Nếu không có giới thì định, tuệ không sinh trưởng, không có động lực thú đẩy hành giả vãng sinh. Trong mười tông phái của Phật giáo, Tịnh Độ tông và Luật tông là hai ông phái liên hệ mật thiết với nhau. Hai tông phái này có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với tán tông phái còn lại. Đại dư Thái Hư đánh giá tầm quan trọng của hai tông này: Luật là nền tảng chung của Tam thừa, Tịnh Độ là mái che chung của Tam thừa”. Hành giả có nghiêm trì tịnh giới, và trên nền tảng của giới câu niệm Phật mới có tác dụng hết công năng mầu nhiệm vốn có. Cho nên “Một câu niệm Phật có thể tiêu trừ tám mươi ức kiếp sinh tử trọng tội”, chính là nhờ tinh chuyên về Giới luật hay nói cách khác nhờ sự thanh tịnh từ thân cho đến tâm của hành giả mới có lợi ích lớn lao như thế.
Nhưng muốn cho tâm Bồ đề chúng ta mỗi ngày mỗi tăng trưởng tư cách thánh hạnh được vẹn tồn, trọn đầy chánh nhân vãng sinh Tịnh Độ, người niệm Phật bên cạnh phát Bồ đề tâm, nghiêm trì tịnh giới phải hội đủ ba đức tính Quyết định vãng sinh, ấy là Tin sâu, Nguyện thiết và Trì chuyên (Hạnh).
3. Siêng năng làm việc nhân từ thế gian được chơn lạc, sinh thiên hoặc vãng sinh về Tịnh Độ
Trong Kinh Bi Hoa khi còn trong nhân địa, tiền kiếp của Phật A Di Đà là Vua Chuyển Luân Thánh Vương Vô Tránh Niệm đối trước Phật Bảo Tượng đã phát 48 đại nguyện trong đó có nguyện:
Nguyện khi con thành chánh giác xong, ở vô lượng vô biên a tăng kỳ kiếp thế giới Phật khác có chúng sanh nào được nghe danh hiệu của con mà tu các pháp lành, muốn được sanh về thế giới của con, nguyện cho họ sau khi xả bỏ thân mạng, nhất định sanh về, chỉ trừ người phạm tội ngũ nghịch, hủy báng thánh nhơn, phá hoại chánh pháp.
(Kinh Bi Hoa, phẩm 4: Nguồn gốc các Bồ Tát được thọ ký, Hán Văn: Đàm Vô Sấm, Việt Văn: Thích Nữ Tâm Thường, trtr. 179 -180; Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, Vol.3, No.157).
Rõ ràng, hành giả Tịnh Độ Tông thời nay muốn sanh về cõi Phật A Di Đà nên tu các pháp lành, tức là thiện pháp đúng như đại nguyện đã thành tựu của ngài, thì nhất định như ý. Sau đây là những thiện pháp (Pháp lành) có thể ứng dụng trong nhân gian như lời Phật dạy trong những quyển kinh của Tịnh Độ Tông, tương ưng với lời Phật dạy trong kinh điển Nikàya Nam Tông (Pali).
Thương mẹ, thương cha, thương người trong nhà, rồi thương cả người ngoài, thương những người khốn khổ, và chân tình chia sẻ tình thương bằng tịnh vật, tịnh tài, công sức, ý tưởng nhằm làm vơi đi nỗi bi sầu của hữu tình là hạnh lành, là pháp lành khiến cho ai trên cõi đời này cũng đều vui sướng và chư Phật, chư Bồ Tát, chư Hiền trí đều hoan hỷ. Với hạnh lành (pháp lành) này của hành giả Tịnh độ ngay trong đời này, họ được an lạc, hạnh phúc, và sau khi mãn phần, nhất định sanh về An Dưỡng Quốc Cực Lạc như ý nguyện, như lời Phật dạy trong Quán Vô Lượng Thọ Kinh: Những người hiếu thuận cha mẹ, làm việc nhân từ thế gian nhất định sanh về Nước Cực Lạc như ý nguyện.
Bố thí là hạnh lành, pháp lành mà chư Phật ba đời đều sách tấn các Phật tử, nhất là các Phật tử tại gia siêng năng thực hành. Một ví dụ minh chứng trong Kinh Địa Tạng Bổn Nguyên cho thấy những ai đồng cảm với những hoàn cảnh khốn khó bi đát của những số phận bi thương trên thế gian này, từ tâm san sẻ tình thương bằng cả tâm chân tình cao khiết là họ đã cúng dường cho hằng hà sa các đức Phật.
Đức Phật bảo Bồ Tát Địa Tạng rằng: “Ở cõi Nam Diêm Phù Đề, có các Quốc Vương, hàng Tể Phụ, Đại Thần, Đại Trưởng Giả, Đại Sát Lợi, Đại Bà La Môn… gặp những kẻ bần cùng thấp kém nhất, cả đến những kẻ gù lưng, tàn phế, ngọng, câm, điếc, ngu si, không mắt, những người không được vẹn toàn như thế; khi các Đại Quốc Vương đó muốn bố thí và nếu có thể đủ lòng đại từ bi, mỉm cười hạ mình, tự tay bố thí cùng khắp hoặc sai bảo người khác bố thí, lại dùng lời ôn hòa, dịu dàng an ủi; thì các Quốc Vương đó sẽ được phước lợi bằng phước lợi của công đức cúng dường cho chư Phật nhiều như số cát một trăm sông Hằng Vì cớ gì? Bởi các Quốc Vương đó đã phát tâm đại từ bi đối với những kẻ bần cùng thấp kém nhất cùng những người khuyết tật kia, cho nên được quả báo phước lợi như thế, trong trăm ngàn đời thường được đầy đủ những đồ thất bảo, huống là những thứ thọ dụng như y phục, đồ ăn thức uống!”
(Địa Tạng Bổn Nguyện Kinh, Phẩm 10: So sánh nhân duyên công đức của sự bố thí, Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, tr.136-137)
Bố thí như thế nào được quả lớn, công đức lớn? Bố thí với tâm mong cầu kết quả tương lai tốt đẹp hơn hoặc bố thí mong để phước lại cho con cháu thì không thể mang lại kết quả lớn. Trong khi đó, bố thí vì lòng bi mẫn chúng sanh và mong chúng sanh hết khổ đau và để trang nghiêm tâm và tối thượng hơn nữa là hồi hướng vô thượng Bồ đề hoặc Tây Phương Cực Lạc. Phật dạy trong Kinh Nikàya về hành bố thí đưa đến quả lớn và công đức lớn như sau:
Một thời, Thế Tôn ở Campà, trên bờ hồ Gaggara. Bấy giờ có nhiều cư sĩ ở Campà cùng Tôn giả Sàriputta (Xá Lợi Phất) đi đến đảnh lễ, bạch Thế Tôn: Có thể, bạch Thế Tôn, ở đây có hạng người bố thí như vậy, không được quả lớn, không được lợi ích lớn. Nhưng bạch Thế Tôn, ở đây có hạng người bố thí như vậy, được quả lớn, được lợi ích lớn.
– Bạch Thế Tôn, do nhân gì, do duyên gì có hạng người bố thí như vậy, không được quả lớn, không được lợi ích lớn và do nhân gì, do duyên gì có hạng người bố thí như vậy, được quả lớn, được lợi ích lớn?
– Ở đây, này Sàriputta, có người bố thí với tâm mong cầu, bố thí với tâm trói buộc (về kết quả), bố thí với ý nghĩ “tôi sẽ hưởng thọ cái này trong đời sau”. Vị ấy bố thí như vậy, khi thân hoại mạng chung được cộng trú với chư Thiên ở cõi trời Tứ Thiên Vương. Khi nghiệp lực được đoạn tận, thần lực, danh tiếng và uy quyền đoạn tận thì trở lui trạng thái này.
Nhưng ở đây, này Sàriputta, có người bố thí với tâm không mong cầu, bố thí với tâm không trói buộc, bố thí không với ý nghĩ “ta sẽ hưởng thọ cái này ở đời sau”, chỉ bố thí với ý nghĩ “lành thay sự bố thí”.Vị ấy bố thí để trang nghiêm tâm. Do bố thí như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên ở cõi trời Phạm Chúng. Khi nghiệp lực đoạn tận, thần lực, danh tiếng và uy quyền đoạn tận, vị ấy trở thành vị Bất lai, không trở lui trạng thái này”.
(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 7, phẩm Tế đàn, phần Bố thí, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.355)
Điều có thể thấy qua bài kinh này là hành bố thí với tâm rộng lớn là phương tiện giải thoát cho những ai thực hành tâm từ bi vì kiếp lai sinh được sống an vui ở cõi trời sắc giới và khi nghiệp lực đoạn tận thì được quả vị Bất lai (A Na Hàm), không còn quay trở lại nhân gian và sẽ nếm hương vị giải thoát A La Hán ở tịnh cư thiên trong thời gian không xa. Vì thế người con Phật nên bố thí với tâm rộng lớn như lời Phật dạy.
Đối với hành giả Đại thừa hay Tịnh độ nên lấy công đức bố thí như thế này hồi hướng Vô thượng Bồ đề hoặc Tây Phương Cực Lạc trụ xứ của Đức Phật A DI ĐÀ. Được vậy thì công đức sẽ viên mãn.
Trong khi đó, Tiểu Bộ Kinh (Pali), Chuyện Tiền Thân số 509 kể về hạnh bố thí của bốn thợ dệt: Họ chia hoa lợi thành năm phần bằng nhau trong đó dùng một phần để bố thí. Quả đức có được rất kỳ đặc – Cả bốn thợ dệt tái sinh luân lưu vô số kiếp trong dục lục thiên như được đúc kết bằng những vần kệ cảm tác sau:
Thợ dệt bốn người cùng buôn bán Ở Thành Ba Nại khéo phân chia Năm phần hoa lợi đều không khác Mỗi phần mỗi vị không kém hơn Còn lại phần kia dùng bố thí Làm lợi cho đời bớt khổ đau Thiên thần bốn vị được gọi tên Tứ Thiên, Đao Lợi Dạ Ma Thiên Đâu Suất, Hóa Lạc Cõi Tự Tại Qua lại thiên dục vô số kiếp Là nhờ hạnh lành, thí phần kia!
(Mười Câu Chuyện bố thí, cúng dường trích từ Tiểu Bộ Kinh, Tâm Tịnh Cẩn Tập)
Vì thế, hành giả Tịnh Độ có thể dùng hạnh rất lành (Pháp rất lành) này làm tư lương, thay vì hướng về Lục Dục Thiên, mà nguyện cầu vãng sanh về Miền Cực Lạc, nhất định sẽ được sanh vì tương ưng với đại nguyện của Ngài khi còn trong nhân địa đối trước Bảo Tượng Như Lai đã phát, và đã thành tựu.
Xin khép lại bài kết tập này bằng những lời Phật dạy trong Trung Bộ Kinh, số 129 Kinh Hiền Ngu, phần: Người Hiền Trí.
Ở đây, này các Tỷ-kheo, người trí suy nghĩ như sau: “Thật sự ta không làm điều ác, không làm điều hung bạo, không làm điều tội lỗi, lại làm điều phước, làm điều thiện, làm điều chống sợ hãi. Do không làm điều ác, không làm điều hung bạo, không làm điều tội lỗi, do làm điều phước, làm điều thiện, làm điều chống sợ hãi, được đi đến (thiện) thú nào, (thiện) thú ấy sau khi chết, ta được đi”. Vị ấy không sầu muộn, không than van, không than khóc, không đấm ngực, rên la và rơi vào bất tỉnh. Này các Tỷ-kheo, đây là sự lạc hỷ, ngay trong hiện tại người trí được cảm thọ.
(Trung Bộ Kinh, số 129 Kinh Hiền Ngu, phần Người Hiền Trí, Hòa thượng Thích Minh Châu).
Nguyện đem công đức này Hướng về tất cả chúng sanh khắp pháp giới Đồng sanh Nước Cực Lạc.
Tâm Hướng Phật/TH!